Cơ quan điều tra giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định hiện hành tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017?
Nội dung chính
Cơ quan điều tra giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định hiện hành tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017?
Theo quy định tại Điều 34 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) thì:
Cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây:
- Đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; đã ra lệnh bắt, quyết định tạm giữ nhưng cơ quan, người có thẩm quyền quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, không phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
- Đã ra quyết định khởi tố bị can nhưng Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định khởi tố vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;
- Viện kiểm sát quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra ra kết luận điều tra bổ sung hoặc kết luận điều tra mới đề nghị truy tố nhưng Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
Ngoài ra, Ban biên tập xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin là Tố tụng hình sự là một trong những lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. So với lĩnh vực quản lý hành chính, thi hành án dân sự, số lượng vụ việc giải quyết bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự chiếm tỷ lệ lớn và hầu hết các vụ việc trong hoạt động tố tụng hình sự thường là những vụ việc phức tạp, kéo dài, tạo ra sự quan tâm lớn trong dư luận xã hội. Vì vậy, giai đoạn điều tra là hết sức quan trọng, nếu ra quyết định không có căn cứ thì cơ quan điều tra phải giải quyết bồi thường theo quy định trên.