Có mấy loại giấy phép khai thác tài nguyên nước? Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước là bao lâu?
Nội dung chính
Có mấy loại giấy phép khai thác tài nguyên nước?
Tại khoản 2 Điều 52 Luật Tài nguyên nước 2023 có quy định 03 loại giấy phép khai thác tài nguyên nước bao gồm:
- Giấy phép khai thác nước mặt;
- Giấy phép khai thác nước dưới đất;
- Giấy phép khai thác nước biển.
Có mấy loại giấy phép khai thác tài nguyên nước? Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước là bao lâu? (Hình từ Internet)
Giấy phép khai thác tài nguyên nước có thời hạn bao nhiêu năm?
Tại khoản 1 Điều 54 Luật Tài nguyên nước 2023 có quy định về thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất như sau:
Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất
1. Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước được quy định như sau:
a) Giấy phép khai thác nước mặt có thời hạn tối đa 10 năm, tối thiểu 05 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 05 năm;
b) Giấy phép khai thác nước biển có thời hạn tối đa 15 năm, tối thiểu 10 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 10 năm;
c) Giấy phép khai thác nước dưới đất có thời hạn tối đa 05 năm, tối thiểu 03 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 03 năm;
d) Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì giấy phép được cấp theo thời hạn đề nghị trong đơn và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn giấy phép đã được cấp, gia hạn liền trước đó.
2. Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn 02 năm và được xem xét gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 01 năm. Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn thì giấy phép được cấp, gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn.
3. Trường hợp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân nộp trước 45 ngày so với thời điểm giấy phép đó hết hiệu lực thì thời điểm hiệu lực ghi trong giấy phép gia hạn được tính nối tiếp với thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp trước đó.
Như vậy, giấy phép khai thác tài nguyên nước có thời hạn như sau:
- Giấy phép khai thác nước mặt: tối đa 10 năm, tối thiểu 05 năm;
- Giấy phép khai thác nước biển: tối đa 15 năm, tối thiểu 10 năm;
- Giấy phép khai thác nước dưới đất: tối đa 05 năm, tối thiểu 03 năm.
Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu trên thì giấy phép được cấp theo thời hạn đề nghị trong đơn và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn giấy phép đã được cấp, gia hạn liền trước đó.
Cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt?
Tại Điều 53 Luật Tài nguyên nước 2023 có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất và kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước được quy định như sau:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô khai thác nước lớn; công trình khai thác nước có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh;
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; tổ chức đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển;
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đăng ký khai thác nước dưới đất;
4. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt;
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định trình tự, thủ tục kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy định cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước , giấy phép thăm dò nước dưới đất.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt là UBND xã.