Có được xây dựng chuồng trại trên đất trồng cây hằng năm không?
Nội dung chính
Đất trồng cây hàng năm được sử dụng để làm gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc. Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 cũng có quy định nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
- Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
- Đất trồng cây lâu năm;
- Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
- Đất nuôi trồng thủy sản;
- Đất chăn nuôi tập trung;
- Đất làm muối;
- Đất nông nghiệp khác.
Theo đó, đất trồng cây hằng năm được sử dụng để trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc.
Căn cứ theo quy định, có thể thấy đất nông nghiệp là loại đất được sử dụng vào mục đích chăn nuôi, trồng trọt phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc dùng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, ươm tạo cây giống, con giống…
Việc xác định đúng mục đích sử dụng đất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong quá trình sử dụng và khai thác đất.
Có được xây dựng chuồng trại trên đất trồng cây hằng năm không? (Nguồn từ Internet)
Có được xây dựng chuồng trại trên đất trồng cây hằng năm không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 thì đất trồng cây hằng năm thuộc loại đất nông nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024 về sử dụng đất kết hợp đa mục đích thì đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích chăn nuôi nhưng cần phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về đất đai.
Phạm vi, điều kiện sử dụng đất kết hợp đa mục đích được hướng dẫn bởi Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP theo đó:
- Sử dụng đất vào mục đích kết hợp không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 121 Luật Đất đai 2024. Trong trường hợp này xây dựng chuồng trại trên đất trồng cây hằng năm không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nên đáp ứng được phạm vi mà pháp luật quy định;
- Diện tích đất sử dụng xây dựng chuồng trại không quá 50% diện tích đất trồng cây hằng năm;
- Chuồng trại xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ.
- Việc xây dựng chuồng trại để sử dụng vào mục đích kết hợp phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan;
- Thời gian sử dụng đất vào mục đích xây dựng chuồng trại không vượt quá thời hạn sử dụng đất còn lại của mục đích chính là đất trồng cây hằng năm.
Như vậy, có thể xây dựng chuồng trại trên đất trồng cây hằng năm. Việc xây dựng chuồng trại trên đất trồng cây hằng năm là không phải xin phép chuyển mục đích sử dụng từ cơ quan có thẩm quyền và việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với mục đích chăn nuôi là hoàn toàn phù hợp nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý trên.
Sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các yêu cầu nào?
Theo điểm b khoản 2 Điều 218 Luật Đất đai 2024 việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất đã quy định.
- Không làm mất đi các điều kiện cần thiết để có thể tiếp tục sử dụng đất cho mục đích chính khi cần thiết.
- Không gây ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh quốc gia.
- Hạn chế tác động đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và cảnh quan môi trường, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
- Không gây ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân xung quanh.
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
- Tuân thủ các quy định pháp luật liên quan khác để đảm bảo việc sử dụng đất đúng pháp luật và bảo vệ lợi ích chung.
Những yêu cầu này nhằm đảm bảo việc sử dụng đất đa mục đích vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo tồn tài nguyên đất và bảo vệ môi trường, an ninh, và lợi ích xã hội.