Có được miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng công trình xử lý nước thải tại khu vực đô thị và nông thôn không?
Nội dung chính
Có được miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng công trình xử lý nước thải tại khu vực đô thị và nông thôn không?
Căn cứ tại Điều 39 Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định về các trường hợp được miễn tiền thuê đất như sau:
Điều 39. Miễn tiền thuê đất
Việc miễn tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai được thực hiện như sau:
1. Miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê trong các trường hợp sau:
a) Sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số;
b) Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp;
c) Sử dụng đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, xây dựng công trình công nghiệp đường sắt theo quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 209 Luật Đất đai.
d) Sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho, nhà xưởng sản xuất; xây dựng cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
đ) Sử dụng đất xây dựng công trình cấp nước sạch và thoát nước, xử lý nước thải tại khu vực đô thị và nông thôn.
e) Sử dụng đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe (bao gồm cả khu bán vé, khu quản lý điều hành, khu phục vụ công cộng) phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng theo quy định của pháp luật về vận tải giao thông đường bộ.
g) Sử dụng đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 208 Luật Đất đai.
h) Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư.
...
Như vậy, đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất và sử dụng đất xây dựng công trình cấp nước sạch và thoát nước, xử lý nước thải tại khu vực đô thị và nông thôn thì được miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê.
Có được miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng công trình xử lý nước thải tại khu vực đô thị và nông thôn không? (Hình ảnh từ Internet)
Hiện nay, hợp đồng cho thuê đất có bắt buộc phải công chứng không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất cụ thể như sau:
Điều 27. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
...
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Như vậy, hợp đồng cho thuê đất không bắt buộc phải công chứng theo quy định.
Nội dung quản lý Nhà nước về đất đai được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 20 Luật Đất đai 2024 quy định về nội dung quản lý Nhà nước về đất đai như sau:
- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
- Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
- Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.
- Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
- Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
- Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.
- Quản lý tài chính về đất đai.
- Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất.
- Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
- Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.
- Thống kê, kiểm kê đất đai.
- Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
- Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
- Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
- Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.