Có các loại hình khảo sát xây dựng nào? Có phải nghiệm thu công tác khảo sát xây dựng?

Có các loại hình khảo sát xây dựng nào? Có phải nghiệm thu công tác khảo sát xây dựng? Trình tự thực hiện khảo sát xây dựng quy định ra sao?

Nội dung chính

    Có các loại hình khảo sát xây dựng nào?

    Căn cứ Điều 73 Luật Xây dựng 2014 thì có 5 loại hình khảo sát xây dựng như sau:

    - Khảo sát địa hình.

    - Khảo sát địa chất công trình.

    - Khảo sát địa chất thủy văn.

    - Khảo sát hiện trạng công trình.

    - Công việc khảo sát khác phục vụ hoạt động đầu tư xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định.

    Có các loại hình khảo sát xây dựng nào? Có phải nghiệm thu công tác khảo sát xây dựng?

    Có các loại hình khảo sát xây dựng nào? Có phải nghiệm thu công tác khảo sát xây dựng? (Ảnh từ Internet)

    Có phải nghiệm thu công tác khảo sát xây dựng?

    Căn cứ khoản 3 Điều 74 Luật Xây dựng 2014 quy định:

    Yêu cầu đối với khảo sát xây dựng
    1. Nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng phải được lập phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng, loại hình khảo sát, bước thiết kế và yêu cầu của việc lập thiết kế xây dựng.
    2. Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng phải đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát xây dựng và tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng được áp dụng.
    3. Công tác khảo sát xây dựng phải tuân thủ phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát xây dựng được duyệt và được kiểm tra, giám sát, nghiệm thu theo quy định.
    ...

    Như vậy, công tác khảo sát xây dựng phải được nghiệm thu theo quy định.

    Trình tự thực hiện khảo sát xây dựng quy định ra sao?

    Căn cứ Điều 25 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì trình tự thực hiện khảo sát xây dựng quy định như sau:

    (1) Lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng:

    Xác định mục đích và phạm vi công việc khảo sát, bao gồm yêu cầu về độ chính xác, khối lượng khảo sát và các nội dung cần thực hiện

    Sau khi lập, nhiệm vụ khảo sát cần được chủ đầu tư hoặc đơn vị có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu dự án.

    (2) Lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng:

    Dựa trên nhiệm vụ khảo sát đã được phê duyệt, nhà thầu khảo sát lập phương án kỹ thuật chi tiết, bao gồm các bước thực hiện, phương pháp khảo sát, thiết bị, công nghệ và nhân lực cần thiết.

    Phương án kỹ thuật cần được phê duyệt bởi chủ đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền trước khi tiến hành khảo sát thực địa.

    (3) Thực hiện khảo sát xây dựng:

    Tiến hành các công việc khảo sát theo phương án kỹ thuật đã được phê duyệt, bao gồm khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn hoặc các hạng mục khảo sát đặc thù khác.

    Trong quá trình thực hiện, cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật, đảm bảo độ chính xác và chất lượng số liệu khảo sát.

    (4) Nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát xây dựng:

    Sau khi hoàn thành công việc khảo sát, nhà thầu lập báo cáo kết quả khảo sát với các thông tin, số liệu và phân tích chi tiết theo yêu cầu.

    Chủ đầu tư hoặc đơn vị được ủy quyền tiến hành nghiệm thu, kiểm tra và xác nhận chất lượng của kết quả khảo sát.

    Sau khi nghiệm thu đạt yêu cầu, kết quả khảo sát sẽ được phê duyệt, làm cơ sở để đưa vào hồ sơ hoàn thành công trình và sử dụng cho giai đoạn thiết kế, thi công tiếp theo.

    Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được quy định ra sao?

    Căn cứ Điều 26 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:

    Nhiệm vụ khảo sát xây dựng
    1. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được lập cho công tác khảo sát phục vụ việc lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp công trình hoặc phục vụ các công tác khảo sát khác có liên quan đến hoạt động xây dựng.
    2. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng do nhà thầu thiết kế lập. Trường hợp chưa lựa chọn được nhà thầu thiết kế hoặc trong các trường hợp khảo sát khác, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền lập dự án PPP được thuê tổ chức, cá nhân hoặc giao tổ chức, cá nhân trực thuộc có đủ điều kiện năng lực lập, thẩm tra nhiệm vụ khảo sát xây dựng.
    3. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư giao cho nhà thầu khảo sát xây dựng thông qua việc trực tiếp ký kết hợp đồng khảo sát xây dựng hoặc giao cho nhà thầu thiết kế xây dựng trong trường hợp nhà thầu tư vấn thiết kế thực hiện cả công tác khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng.
    4. Các nội dung của nhiệm vụ khảo sát xây dựng bao gồm:
    a) Mục đích khảo sát xây dựng;
    b) Phạm vi khảo sát xây dựng;
    c) Yêu cầu về việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng;
    d) Sơ bộ khối lượng các loại công tác khảo sát xây dựng, dự toán khảo sát xây dựng (nếu có);
    đ) Thời gian thực hiện khảo sát xây dựng.
    5. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau:
    a) Trong quá trình thực hiện khảo sát xây dựng, phát hiện các yếu tố khác thường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế hoặc khi có thay đổi nhiệm vụ thiết kế cần phải bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng;
    b) Trong quá trình thiết kế, nhà thầu thiết kế phát hiện nhiệm vụ khảo sát xây dựng, báo cáo khảo sát xây dựng không đáp ứng yêu cầu thiết kế;
    c) Trong quá trình thi công, phát hiện các yếu tố địa chất khác thường, không đáp ứng được nhiệm vụ khảo sát đã được chủ đầu tư hoặc tư vấn thiết kế phê duyệt có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, biện pháp thi công xây dựng công trình.
    6. Khi lập nhiệm vụ khảo sát ở bước thiết kế xây dựng sau thì phải xem xét nhiệm vụ khảo sát và kết quả khảo sát đã thực hiện ở bước thiết kế xây dựng trước và các kết quả khảo sát có liên quan được thực hiện trước đó (nếu có).

    Như vậy, nhiệm vụ khảo sát xây dựng được thực hiện theo quy định trên.

    24