Cho thuê tài sản thế chấp nhưng không thông báo cho người nhận thế chấp thì hợp đồng thuê có chấm dứt không theo quy định hiện nay?
Nội dung chính
Cho thuê tài sản thế chấp nhưng không thông báo cho người nhận thế chấp thì hợp đồng thuê có chấm dứt không theo quy định hiện nay?
Tại Điều 34 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định việc thế chấp liên quan đến tài sản cho thuê, cho mượn, như sau:
1. Trường hợp tài sản đang cho thuê, cho mượn được dùng để thế chấp thì bên thế chấp phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
2. Việc tài sản thế chấp đang được cho thuê, cho mượn bị xử lý theo trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự không làm chấm dứt hợp đồng thuê, hợp đồng mượn; bên thuê, bên mượn được tiếp tục thuê, mượn cho đến khi hết thời hạn theo hợp đồng.
3. Trường hợp biện pháp thế chấp đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba mà bên thế chấp dùng tài sản thế chấp để cho thuê, cho mượn nhưng không thông báo cho bên nhận thế chấp biết thì hợp đồng thuê, hợp đồng mượn chấm dứt tại thời điểm xử lý tài sản thế chấp. Quyền, nghĩa vụ giữa bên thế chấp và bên thuê, bên mượn được giải quyết theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mượn tài sản, quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.
Như vậy, biện pháp thế chấp đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, mà bạn dùng tài sản thế chấp để cho thuê nhưng không thông báo cho bên nhận thế chấp biết thì hợp đồng thuê của bạn sẽ chấm dứt tại thời điểm xử lý tài sản thế chấp.
Cho thuê tài sản thế chấp nhưng không thông báo cho người nhận thế chấp thì hợp đồng thuê có chấm dứt không theo quy định hiện nay? (Hình ảnh từ internet)
Không trả nợ đúng hạn thì ngân hàng có thể xử lý tài sản thế chấp là chiếc ô tô không?
Theo Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 quy định các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm, như sau:
1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Tại Điều 303 Bộ luật dân sự 2015 quy định phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, theo đó:
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo đó, khi bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì tài sản thế chấp sẽ bị ngân hàng xử lý theo phương thức nêu trên theo quy định pháp luật.
Tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu được dùng để thế chấp được giải quyết như thế nào?
Căn cứ Điều 36 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định giải quyết trường hợp tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu được dùng để thế chấp, như sau:
1. Trường hợp tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu được dùng để thế chấp mà đã được chuyển giao cho bên nhận thế chấp ngay tình trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự thì hợp đồng thế chấp không bị vô hiệu; quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Dân sự.
2. Chuyển giao tài sản thế chấp quy định tại khoản 1 Điều này là việc bên thế chấp không giao tài sản thế chấp nhưng bên nhận thế chấp đã giữ Giấy chứng nhận về tài sản thế chấp theo thỏa thuận hoặc đã thực hiện biện pháp thực tế cần thiết khác để bên thế chấp không vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 320 của Bộ luật Dân sự.
Với quy định trên thì các tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu dùng để thế chấp sẽ được giải quyết theo quy định trên.