15:55 - 12/02/2025

Chính thức cho phép thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội TPHCM

Chính thức cho phép thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội TPHCM? Hệ thống đường sắt Việt Nam được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Chính thức cho phép thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội TPHCM

    Nghị quyết 29/NQ-CP năm 2025 vừa được ban hành ngày 08 tháng 02 năm 2025 quy định về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (08/02/2025).

    Theo đó, tại Điều 1 Nghị quyết 29/NQ-CP năm 2025 quy định Thông qua dự thảo Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Tờ trình 08/TTr-BGTVT năm 2025. Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

    Cũng trong ngày 08/02/2025, Chính phủ ban hành ban hành Nghị quyết 28/NQ-CP năm 2025 về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

    Trước đó ngày 20/1/2025, một cuộc họp đã được tổ chức nhằm đánh giá tình hình triển khai Đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

    Tại cuộc họp, các cơ quan liên quan được yêu cầu khẩn trương rà soát nội dung của từng cơ chế, chính sách đặc biệt và đặc thù trong dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn. Quá trình rà soát cần phân nhóm rõ ràng, gồm nhóm chính sách chung áp dụng cho cả hai thành phố và nhóm chính sách riêng phù hợp với từng thành phố.

    Đồng thời, hai thành phố được giao nhiệm vụ đề xuất cụ thể về cơ chế phân cấp trong phê duyệt dự án, quyết định chủ trương đầu tư, bố trí nguồn vốn và điều chỉnh quy hoạch. Việc này nhằm rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giúp các dự án sớm được hoàn thành theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

    Bên cạnh đó, các bên liên quan cũng cần tuân thủ các quy định về đầu tư và áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt đã được đề xuất để chuẩn bị cho các dự án đường sắt đô thị. Bộ Giao thông Vận tải và hai thành phố sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Tờ trình và dự thảo nghị quyết, đảm bảo trình Quốc hội trong kỳ họp diễn ra vào tháng 2/2025.

    Chính thức cho phép thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội TPHCM (Ảnh từ Internet)

    Chính thức cho phép thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội TPHCM (Ảnh từ Internet)

    Hệ thống đường sắt Việt Nam được quy định như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 10 Luật Đường sắt 2017 quy định về Hệ thống đường sắt Việt Nam như sau:

    (1) Hệ thống đường sắt Việt Nam bao gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng được quy định như sau:

    - Đường sắt quốc gia phục vụ nhu cầu vận tải chung của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế;

    - Đường sắt đô thị phục vụ nhu cầu vận tải hành khách ở đô thị và vùng phụ cận;

    - Đường sắt chuyên dùng phục vụ nhu cầu vận tải riêng của tổ chức, cá nhân.

    (2) Thẩm quyền quyết định công bố, điều chỉnh hệ thống đường sắt được quy định như sau:

    - Đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố, điều chỉnh; đường sắt đô thị có nối ray hoặc chạy chung với đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố, điều chỉnh sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đường sắt đô thị;

    - Đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố, điều chỉnh; trường hợp đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia đi qua địa giới hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố, điều chỉnh sau khi có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố này.

    (3) Thẩm quyền quy định việc đặt tên tuyến, tên ga đường sắt; quyết định đưa tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt vào khai thác; dừng khai thác, tháo dỡ tuyến được quy định như sau:

    - Chính phủ quy định việc đặt tên tuyến, tên ga đường sắt và tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt;

    - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định đưa vào khai thác, dừng khai thác tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt quốc gia;

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đưa vào khai thác, dừng khai thác tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt đô thị;

    - Chủ đầu tư quyết định đưa vào khai thác, dừng khai thác tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt chuyên dùng do mình đầu tư.

    Nghị quyết 29/NQ-CP năm 2025 có hiệu lực từ ngày 08 tháng 02 năm 2025.

    Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
    20
    Chủ quản: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 03/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 06/02/2025 Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ