Cấm phân biệt về giới trong quản lý sử dụng đất đai được quy định thế nào?

Chuyên viên pháp lý Võ Trung Hiếu
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Cấm phân biệt về giới trong quản lý sử dụng đất đai được quy định thế nào? Công dân có được giám sát với việc quản lý sử dụng đất đai không?

Nội dung chính

    Cấm phân biệt về giới trong quản lý sử dụng đất đai được quy định thế nào?

    Theo quy định tại Điều 11 Luật Đất đai 2024 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai như sau:

    Hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai
    1. Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất.
    2. Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai.
    3. Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
    4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai.
    5. Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật.
    6. Không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
    7. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
    8. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
    9. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
    10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
    11. Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.

    Luật Đất đai 2024 quy định phân biệt về giới trong quản lý sử dụng đất đai là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

    Trong đó, có thể hiểu phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình (khoản 5 Điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006).

    Cũng theo quy định tại Điều 23 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Quyền của công dân đối với đất đai
    1. Tham gia xây dựng, góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
    2. Tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai.
    3. Quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai.
    4. Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
    5. Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
    6. Thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

    Như vậy, bình đẳng giới là quyền của công dân đối với đất đai và phân biệt đối xử về giới là hành vi nghiêm cấm trong quản lý sử dụng đất đai.

    Cấm phân biệt về giới trong quản lý sử dụng đất đai được quy định thế nào?Cấm phân biệt về giới trong quản lý sử dụng đất đai được quy định thế nào? (Hình từ Internet)

    Công dân có được giám sát với việc quản lý sử dụng đất đai không?

    Theo quy định tại Điều 231 Luật Đất đai 2024 quy định về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai như sau:

    - Công dân tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát, phản ánh và yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

    - Việc giám sát, phản ánh và yêu cầu, kiến nghị phải bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật; không được lợi dụng quyền giám sát để khiếu nại, tố cáo không đúng quy định của pháp luật, làm mất trật tự xã hội; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác các thông tin do mình phản ánh.

    - Nội dung giám sát của công dân trong quản lý, sử dụng đất đai bao gồm:

    + Việc lập, điều chỉnh, công bố công khai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

    + Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

    + Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

    + Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

    + Việc thu, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế liên quan đến đất đai; định giá đất;

    + Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

    - Hình thức giám sát của công dân trong quản lý, sử dụng đất đai bao gồm:

    + Trực tiếp thực hiện quyền giám sát thông qua việc phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết;

    + Gửi đơn kiến nghị đến các tổ chức đại diện được pháp luật công nhận để các tổ chức này thực hiện việc giám sát.

    - Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức đại diện cho người dân có trách nhiệm sau đây:

    + Tổ chức tiếp nhận, phân loại; kiểm tra, xử lý, trả lời bằng văn bản theo thẩm quyền;

    + Chuyển đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết trong trường hợp không thuộc thẩm quyền;

    + Thông báo kết quả cho tổ chức, cá nhân đã phản ánh, kiến nghị.

    Giải quyết tố cáo về quản lý sử dụng đất đai ra sao?

    Căn cứ Điều 238 Luật Đất đai 2024 quy định việc giải quyết tố cáo về quản lý, sử dụng đất đai như sau:

    - Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

    - Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

    - Việc thu thập, bảo quản, sử dụng và lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết tố cáo về quản lý, sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

    84
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ