Cải tạo nhà biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa thì có phải giữ nguyên cấu trúc bên trong căn nhà hay không?
Nội dung chính
Cải tạo nhà biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa thì có buộc phải giữ nguyên cấu trúc bên trong không?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 123 Luật Nhà ở 2023 quy định:
Quản lý, sử dụng nhà biệt thự
1. Nhà biệt thự được phân thành 03 nhóm sau đây:
a) Nhà biệt thự nhóm một là nhà biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; nhà biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do hội đồng quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này xác định và lập danh sách để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
...
2. Việc quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo nhà biệt thự phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Nhà biệt thự phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về quy hoạch, pháp luật về kiến trúc và pháp luật về xây dựng; trường hợp có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
b) Đối với nhà biệt thự nhóm một phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, bao gồm cả hình dáng kiến trúc; cấu trúc bên trong; mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao;
c) Đối với nhà biệt thự nhóm hai phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.
Như vậy, cải tạo nhà biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa thì buộc phải giữ nguyên cấu trúc bên trong, ngoài ra còn phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, bao gồm cả hình dáng kiến trúc; mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.
Cải tạo nhà biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa thì có buộc phải giữ nguyên cấu trúc bên trong không? (Ảnh từ Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành quy định về quản lý, sử dụng nhà biệt thự?
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 93 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định:
Trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở của địa phương
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền hạn và trách nhiệm sau đây:
...
c) Chỉ đạo công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh các nội dung: nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt; các thông tin về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua, được huy động vốn theo quy định tại Nghị định này, công bố danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định này;
d) Ban hành quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng nhà biệt thự, nhà chung cư; tiếp nhận và quản lý nhà ở tự quản trên địa bàn, kể cả trường hợp không còn cơ quan tự quản để bàn giao; hướng dẫn cụ thể việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc tài sản công, nhà ở phục vụ tái định cư được giao quản lý tại địa phương; tổ chức thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công theo quy định tại Điều 127 của Luật Nhà ở và quy định của Nghị định này; chỉ đạo, phân giao cơ quan chức năng thực hiện các công việc khác có liên quan bảo đảm quản lý, sử dụng, vận hành nhà ở thuộc tài sản công theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan;
đ) Quy định tiêu chí, xác định danh mục nhà ở có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử (bao gồm cả nhà biệt thự, nhà ở cổ) theo quy định của Luật Nhà ở; quyết định thành lập Hội đồng xác định danh mục và ban hành quyết định phê duyệt danh mục nhà ở này để thực hiện quản lý theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định này và pháp luật có liên quan;
,,,
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền ban hành quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng nhà biệt thự trên địa bàn.
Tổ chức nước ngoài có được sở hữu bao nhiêu nhà biệt thự tại Việt Nam không?
Căn cứ Điều 19 Luật Nhà ở 2023 quy định:
Số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.
2. Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định yêu cầu về khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiêu chí quy đổi quy mô về dân số tương đương một phường, số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu, việc gia hạn thời hạn sở hữu nhà ở và việc quản lý, sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Như vậy, đối với nhà biệt thự thì trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường thì tổ chức nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn nhà.
Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một phường mà có nhiều nhà biệt thự trên một tuyến phố thì tổ chức nước ngoài được sở hữu không quá 250 căn nhà.