Các tiêu chí cụ thể nào hiện nay được áp dụng để xác định rừng tự nhiên theo các quy định mới nhất của pháp luật?

Các tiêu chí để xác định rừng tự nhiên được quy định cụ thể như thế nào? Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên được thực hiện ra sao?

Nội dung chính

    Tiêu chí rừng tự nhiên

    Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp (Có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019) thì rừng tự nhiên bao gồm rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh khi đạt các tiêu chí sau đây:

    (1) Độ tàn che của các loài cây thân gỗ, tre nứa, cây họ cau (sau đây gọi tắt là cây rừng) là thành phần chính của rừng tự nhiên từ 0,1 trở lên.

    (2) Diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên.

    (3) Chiều cao trung bình của cây rừng là thành phần chính của rừng tự nhiên được phân chia theo các điều kiện lập địa như sau:

    - Rừng tự nhiên trên đồi, núi đất và đồng bằng: chiều cao trung bình của cây rừng từ 5,0 m trở lên;

    - Rừng tự nhiên trên đất ngập nước ngọt: chiều cao trung bình của cây rừng từ 2,0 m trở lên;

    - Rừng tự nhiên trên đất ngập phèn: chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,5 m trở lên;

    - Rừng tự nhiên trên núi đá, đất cát, đất ngập mặn và các kiểu rừng ở điều kiện sinh thái đặc biệt khác: chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,0 m trở lên.

    Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên

    Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định tại Điều 28 Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp, cụ thể như sau:

    1. Khai thác chính gỗ rừng tự nhiên
    a) Đối tượng: là cây gỗ trên diện tích rừng giàu, rừng trung bình;
    b) Điều kiện: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Lâm nghiệp và không trong thời gian đóng cửa rừng;
    c) Phương thức: khai thác chọn với cường độ khai thác tối đa là 35% trữ lượng gỗ của lô rừng.
    2. Khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên
    a) Đối tượng: trên diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; khi thực hiện các biện pháp lâm sinh; phục vụ công tác đào tạo và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học;
    b) Điều kiện: phải có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; dự án lâm sinh; chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học.
    3. Khai thác tận thu gỗ rừng tự nhiên
    a) Đối tượng: cây gỗ, cành, gốc bị khô mục, đổ gãy, bị cháy, chết do thiên tai nằm trong rừng;
    b) Điều kiện: chủ rừng phải lập phương án khai thác tận thu gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
    4. Khai thác thực vật rừng thông thường ngoài gỗ, dẫn xuất từ thực vật rừng thông thường
    a) Đối tượng: loài thực vật rừng thông thường ngoài gỗ, dẫn xuất từ thực vật rừng thông thường;
    b) Điều kiện: phải bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững của khu rừng, sản lượng loài khai thác không được lớn hơn lượng tăng trưởng của loài đó;
    c) Phương thức khai thác: do chủ rừng tự quyết định.
    5. Khai thác động vật rừng thông thường
    a) Đối tượng: các loài động vật rừng thông thường;
    b) Điều kiện: chủ rừng phải có phương án khai thác động vật rừng thông thường.
    6. Khai thác loài nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
    7. Hưởng lợi từ khai thác lâm sản

    Chủ rừng được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản khai thác, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước.

    10