Các quy hoạch được sử dụng làm căn cứ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng?

Chuyên viên pháp lý: Lê Trần Hương Trà
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Các quy hoạch được sử dụng làm căn cứ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng? Nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm những gì?

Nội dung chính

    Các quy hoạch được sử dụng làm căn cứ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng?

    Căn cứ tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, quy định về lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng như sau:

    Theo đó, các quy hoạch được sử dụng làm căn cứ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (sau đây gọi tắt là lập dự án đầu tư xây dựng) gồm:

    (1) Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung của vùng liên huyện, vùng huyện: quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện là căn cứ để lập dự án đầu tư xây dựng;

    (2) Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, khu chức năng: quy hoạch chung đô thị hoặc quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chung khu chức năng là căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng.

    Trường hợp pháp luật về quy hoạch không yêu cầu lập quy hoạch chung thì quy hoạch phân khu là cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung;

    (3) Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm: quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch không gian ngầm hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành là căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng;

    (4) Đối với các dự án được hình thành từ quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành theo pháp luật về quy hoạch và pháp luật chuyên ngành: quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng;

    (5) Đối với dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng: quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phương án quản lý rừng bền vững và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật lâm nghiệp là căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng;

    (6) Đối với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh: quy hoạch di tích theo pháp luật về di sản văn hóa là căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng;

    (7) Trường hợp dự án đầu tư xây dựng ở các khu vực không yêu cầu lập quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành: phương án tuyến công trình, vị trí công trình, tổng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận là căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng;

    (8) Trường hợp dự án được đầu tư xây dựng tại khu vực đã ổn định về chức năng sử dụng đất không yêu cầu lập quy hoạch chi tiết đô thị theo pháp luật về quy hoạch đô thị: thiết kế đô thị riêng hoặc quy chế quản lý kiến trúc là cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng;

    (9) Trường hợp dự án đầu tư xây dựng sửa chữa, cải tạo giữ nguyên quy mô, chức năng hiện hữu của các công trình xây dựng thì không yêu cầu lập quy hoạch làm căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng;

    (10) Đối với các dự án còn lại: quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch tổng mặt bằng (lập theo quy trình rút gọn) là căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng.

    Các quy hoạch được sử dụng làm căn cứ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng?

    Các quy hoạch được sử dụng làm căn cứ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng? (Hình từ Internet)

    Nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm những gì?

    Căn cứ tại khoản 5 Điều 71 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, quy định về lập, thẩm tra, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công như sau:

    Theo đó, nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm:

    - Sự tuân thủ các quy định pháp luật trong nội dung hồ sơ trình thẩm định;

    - Sự phù hợp của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng với chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận;

    - Kiểm tra Báo cáo kết quả thẩm tra về sự phù hợp của thiết kế xây dựng phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch khác theo quy định của pháp luật nước sở tại, việc bảo đảm an toàn xây dựng, an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật có liên quan;

    - Yếu tố đảm bảo tính khả thi của dự án bao gồm lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng, quy mô đầu tư xây dựng dự án, xác định chủ đầu tư, hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án;

    - Yếu tố đảm bảo tính hiệu quả của dự án bao gồm xác định tổng mức đầu tư xây dựng, khả năng huy động vốn theo tiến độ, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội;

    - Các nội dung khác theo yêu cầu của người quyết định đầu tư (nếu có).

    Mẫu Thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng mới nhất?

    Căn cứ tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 175/2024/NĐ-CP, quy định Mẫu số 03 là Mẫu Thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng mới nhất.

    Tải về  Mẫu Thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng mới nhất.

    saved-content
    unsaved-content
    134