Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây nguyên được thành lập do ai làm tư lệnh?
Nội dung chính
Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây nguyên được thành lập do ai làm tư lệnh?
Tây Nguyên là một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng. Trong quá trình xâm lược Việt Nam, Mỹ - ngụy đã xây dựng nơi đây thành một căn cứ quân sự lớn nhằm đàn áp phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương, đồng thời ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào miền Nam và từ rừng núi xuống đồng bằng. Sở chỉ huy của Quân đoàn 2 và Quân khu 2 ngụy quân Sài Gòn được đặt tại Pleiku. Dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, địch thiết lập các trại biệt kích, trong khi Đường 14 trở thành một hệ thống căn cứ quân sự dày đặc, bao gồm cả các căn cứ cấp sư đoàn và quân đoàn, tạo thành tuyến phòng ngự chủ chốt của địch ở Tây Nguyên. Ngoài ra, trên các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 19, 21, quân địch cũng bố trí các tuyến phòng thủ mạnh để bảo vệ giao thông từ Tây Nguyên xuống đồng bằng.
Tại Tây Nguyên, lực lượng địch bao gồm Sư đoàn bộ binh 23 với ba trung đoàn (44, 45 và 53), bảy tiểu đoàn biệt động quân (21, 22, 23, 24, 45, 4, 6), 36 tiểu đoàn bảo an, bốn thiết đoàn thiết giáp, 230 khẩu pháo và Sư đoàn 6 không quân với khoảng 150 máy bay các loại. Nhìn chung, lực lượng quân địch được bố trí dày đặc ở khu vực phía Bắc Tây Nguyên, trong khi khu vực phía Nam được xem như hậu phương với lực lượng mỏng hơn.
Sau khi quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Trung tướng Hoàng Minh Thảo được giao nhiệm vụ Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp giữ chức Chính ủy, đồng thời là Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Khu ủy Khu 5 cử đồng chí Bùi San (Phó Bí thư Khu ủy) và đồng chí Nguyễn Cần (Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk) cùng tham gia Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch để chỉ đạo các tỉnh phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực trong quá trình chuẩn bị và tác chiến. Bên cạnh đó, một bộ phận đại diện của Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, do Đại tướng Văn Tiến Dũng chủ trì, cũng có mặt tại Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Như vậy, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây nguyên được thành lập do Trung tướng Hoàng Minh Thảo được giao nhiệm vụ Tư lệnh.
Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây nguyên được thành lập do ai làm tư lệnh? (Hình từ Internet)
Quan điểm phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030 như thế nào?
Căn cứ quy định tại tiểu mục 1 Mục 2 Quyết định 377/QĐ-TTg năm 2024 thì quan điểm phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030 như sau:
(1) Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm. Phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành có lợi thế như: nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, công nghiệp khai thác và chế biến bauxite, alumin, nhôm. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch cấp trên.
(2) Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, đưa văn hóa Tây Nguyên trở thành động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập của Vùng. Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc đồng bào vùng Tây Nguyên. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định dân cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, giảm khoảng cách chênh lệch giữa các địa bàn, các dân tộc trong Vùng. Bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng. Nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong bối cảnh mới.
(3) Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước là yêu cầu cấp bách đối với vùng Tây Nguyên. Chú trọng bảo vệ, phát triển rừng gắn với kinh tế lâm nghiệp và ổn định, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng; bảo vệ môi trường đất để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao đáp ứng xu thế mới. Tăng cường phối hợp quản lý các lưu vực sông, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
(4) Bảo đảm an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ hàng đầu của Tây Nguyên với cả nước. Củng cố tiềm lực quốc phòng, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Tăng cường xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy cao độ giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; bảo đảm xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
(5) Tăng cường liên kết với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và các nước ASEAN. Tổ chức không gian hợp lý và tăng cường liên kết các tiểu vùng, các hành lang kinh tế, các vùng động lực phát triển, hệ thống đô thị nông thôn, các khu chức năng; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực cho phát triển vùng; trên cơ sở tuân thủ không gian các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực an ninh, quốc phòng; phát huy lợi thế và điều kiện phát triển đặc thù của từng tiểu vùng; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn hệ sinh thái. Phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn phù hợp với các điều kiện đặc trưng về tự nhiên, bản sắc văn hóa. Ưu tiên bố trí ổn định các điểm dân cư, đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với tập quán và phương thức sản xuất mới.