Bộ phận phụ trợ và phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được bố trí theo quy định như thế nào?
Nội dung chính
Bộ phận phụ trợ và phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được bố trí theo quy định như thế nào?
Bộ phận phụ trợ và phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được bố trí theo quy định tại Tiểu mục 7.9 Mục 7 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4601:2012 về Công sở cơ quan hành chính nhà nước - Yêu cầu thiết kế như sau:
- Bộ phận phụ trợ và phục vụ của một công sở cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: các sảnh chính, sảnh phụ và hành lang, thường trực bảo vệ, nơi gửi mũ áo, khu vệ sinh, phòng y tế, căng tin, bếp, xưởng sửa chữa thiết bị dụng cụ (nếu cần), kho văn phòng phẩm, kho dụng cụ, phòng xử lý giấy loại,…
- Trong công sở liên cơ quan, các bộ phận sau đây được thiết kế sử dụng chung: phòng y tế, phòng thường trực-bảo vệ, căng tin, nơi để xe, chỗ làm việc của đội xe, khu vệ sinh công cộng.
Số lượng và thành phần bộ phận phụ trợ và phục vụ được xác định theo yêu cầu sử dụng và cấp công trình.
- Các phòng kĩ thuật đặc thù chuyên ngành được thiết kế theo qui định có liên quan.
- Sảnh và hành lang
+ Các không gian giao thông bao gồm không gian sảnh, hành lang, tiền phòng, cầu thang, thang máy được bố trí hợp lý, đảm bảo chiếu sáng và thông gió tự nhiên, đảm bảo thoát hiểm khi có sự cố.
+ Không gian giao tiếp, trao đổi công việc hoặc giải lao, có thể kết hợp với sảnh, hành lang tạo thành các không gian sinh thái trong cơ quan.
+ Diện tích sảnh chính (không có phòng gửi mũ, áo) được tính với 0,17 m2/chỗ, nhưng không nhỏ hơn 18 m2.
+ Hội trường có qui mô từ 200 chỗ trở lên, nếu không gắn liền với sảnh chính, được phép thiết kế hành lang nghỉ, tính 0,2 m2/chỗ ngồi.
+ Chiều rộng thông thủy của hành lang trong công sở quy định trong Bảng 2.
Bảng 2 - Chiều rộng hành lang trong công sở
Loại hành lang | Chiều rộng m |
1. Hành lang bên | Từ 1,60 đến 1,80 |
2. Hành lang giữa | Từ 1,80 đến 2,10 |
3. Giao thông của khách ở mật độ trung bình có vận chuyển thiết bị phương tiện; | Từ 2,10 đến 2,40 |
4. Giao thông ở mật độ cao của khách và cán bộ nhân viên (hành lang nghỉ, hành lang công cộng) | Từ 2,40 đến 2,70 |
- Nơi gửi mũ áo
Khi có yêu cầu thiết kế nơi gửi mũ áo, tiêu chuẩn diện tích quầy gửi được tính 0,1 m2/chỗ. Số chỗ phụ thuộc vào yêu cầu và số lượng khách.
- Phòng y tế
Phòng y tế cơ quan có chức năng sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện, diện tích từ 15 m2 đến 18 m2, tùy theo cấp công trình.
- Khu vệ sinh
+ Phòng vệ sinh được thiết kế riêng cho nam và nữ, được bố trí theo tầng nhà hoặc theo các ngôi nhà độc lập. Có thể bố trí phòng tắm trong khu vệ sinh. Phòng tắm có chỗ thay quần áo với diện tích không lớn hơn 3 m2.
+ Được phép thiết kế phòng vệ sinh liền kề phòng tiếp khách quốc tế, phòng làm việc của cấp tương đương Bộ trưởng. Trong phòng vệ sinh được trang bị: xí bệt, tiểu treo, chậu rửa tay, gương soi và thiết bị hơ khô tay.
+ Cần bố trí chỗ vệ sinh kinh nguyệt cho nữ cán bộ công chức trong cơ quan theo tỷ lệ 25 nữ cho một chỗ có diện tích 2 m2.
+ Số lượng thiết bị vệ sinh được thiết kế theo định mức một tiểu, một xí, một chậu rửa tay cho từ 25 người đến 30 người sử dụng. Mỗi khu vệ sinh không được vượt quá 10 bệ xí.
CHÚ THÍCH: Khi thiết kế phòng vệ sinh phải tính đến nhu cầu tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật phải tuân theo quy định có liên quan [5].
+ Lối vào các khu vệ sinh phải qua phòng đệm. Cửa khu vệ sinh không được mở trực tiếp ra không gian làm việc, sảnh tầng và sảnh thang máy,
+ Cứ 2 tầng nhà được phép thiết kế một chỗ để dụng cụ vệ sinh, có diện tích từ 1 m2 đến 2 m2.
+ Trong phòng vệ sinh cần có chiếu sáng tự nhiên, không trực tiếp thông gió tự nhiên đối lưu với phòng kề bên. Có thể bố trí thiết bị thông gió nhân tạo.
- Phòng thường trực, bảo vệ
+ Phòng thường trực, bảo vệ của cơ quan được thiết kế với diện tích từ 6 m2 đến 8 m2; nơi chờ của khách, diện tích từ 9 m2 đến 12 m2.
+ Trong công sở liên cơ quan, nếu mỗi cơ quan có lối ra vào riêng, được thiết kế phòng thường trực riêng.
+ Đối với phòng bảo vệ có yêu cầu trực đêm cho nhân viên bảo vệ cơ quan, được phép thiết kế chỗ ngủ theo số lượng người trực, với tiêu chuẩn diện tích 6 m2/người.
- Nhà ăn
+ Nhà ăn được thiết kế theo qui định trong báo cáo đầu tư được duyệt, đáp ứng yêu cầu sử dụng chung của liên cơ quan, được bố trí độc lập nhưng phải phục vụ thuận tiện với bộ phận làm việc.
+ Khi thiết kế nhà ăn cần phải tuân theo các quy định trong TCVN 4515. Khu vực ăn và giải khát được tính toán với chỉ tiêu diện tích như sau:
++ Đối với khu vực dưới 100 chỗ: từ 1,3 m2/chỗ đến 1,4 m2/chỗ;
++ Đối với khu vực dưới 200 chỗ: từ 1,1 m2/chỗ đến 1,2 m2/chỗ;
++ Đối với khu vực dưới 300 chỗ: từ 1,0 m2/chỗ đến 1,1 m2/chỗ;
++ Đối với khu vực dưới 500 chỗ: từ 0,8 m2/chỗ đến 1,0 m2/chỗ.
- Phòng truyền thống
+. Phòng truyền thống được thiết kế theo hướng đa chức năng (trưng bày, truyền thống…) sử dụng cho cơ quan hoặc liên cơ quan.
+ Khi số lượng cán bộ công chức dưới 200 người, được tính với tiêu chuẩn diện tích 0,2 m2/người; khi lớn hơn 200 người lấy 0,1 m2/người đối với người tiếp theo. Diện tích phòng truyền thống không nhỏ hơn 24 m2.
+ Kho thiết bị, dụng cụ, văn phòng phẩm
Kho thiết bị, dụng cụ, văn phòng phẩm được thiết kế theo yêu cầu sử dụng, diện tích không nhỏ hơn 12 m2.
- Thu gom giấy loại và rác thải
+. Nơi xử lý giấy loại được bố trí ở khu vực bên trong nhà hoặc khu vực ở trong sân. Diện tích kho chứa từ 4 m2 đến 6 m2 và diện tích xử lý 4 m2 đến 6 m2.
+ Nơi tập trung rác phải đặt ở cuối hướng gió hoặc vị trí khuất của nhà. Phương thức thu gom rác phù hợp với phương thức thu gom rác của thành phố và có đường chuyển rác riêng.
+ Phòng chứa rác của từng tầng được bố trí tại các góc khuất gần cầu thang bộ hoặc thang máy, có diện tích từ 6 m² đến 8 m².
+ Công sở có từ 6 tầng trở lên, được phép thiết kế hệ thống chuyển rác thẳng đứng xuống tầng 1 để chuyển ra ngoài. Phòng thu rác đặt tại tầng trệt (hoặc tầng hầm thứ nhất) được bố trí ngay dưới cửa xả rác, chiều cao tối thiểu là 2,5 m và diện tích tối thiểu là 10 m2 (phụ thuộc vào khối lượng rác thải ra trong một ngày).
+ Ống đổ rác được cách ly với những phần khác của ngôi nhà bằng các bộ phận ngăn cháy.
+ Đường ống đổ rác nên thiết kế hình trụ tròn có đường kính không nhỏ hơn 0,5 m. Thành ống phải có độ dày không nhỏ hơn 1,2 mm có khả năng chống ngấm nước, tiêu âm, chịu nhiệt cao, tránh nguy cơ cháy trong quá trình sử dụng.
- Nhà làm việc của đội xe
+. Công sở có từ 20 xe trở lên được phép thiết kế nhà làm việc của đội xe gồm nơi điều hành của đội trưởng, nơi sửa chữa nhỏ và bảo dưỡng, kho thiết bị dụng cụ và dầu nhờn, nơi nghỉ của lái xe. Tiêu chuẩn diện tích của nơi điều hành của đội xe không lớn hơn 12 m2.
Diện tích của các bộ phận còn lại xác định theo yêu cầu sử dụng.
+ Phòng nghỉ cho lái xe được tính với tiêu chuẩn diện tích không nhỏ hơn 0,8 m2/người.
- Nơi để xe đạp, xe máy, ôtô
+ Trong khuôn viên xây dựng công sở phải bố trí chỗ để xe. Chỗ để xe phải thuận tiện cho việc bảo vệ và tránh ùn tắc khi có sự cố. Căn cứ vào số lượng xe của cán bộ công chức và khách đến giao dịch làm việc để bố trí chỗ để xe, tầng hầm để xe. Chỗ để xe của khách phải tách riêng với chỗ để xe của cơ quan.
+ Công sở cấp Bộ, cấp Tỉnh xây dựng tại đô thị loại I trở lên phải có tầng hầm để xe. Thiết kế tầng hầm để xe máy, xe ô tô trong tòa nhà phải đảm bảo thuận tiện các yêu cầu về giao thông và an toàn phòng cháy chữa cháy.
CHÚ THÍCH: Khuyến khích công sở cấp Huyện (thị xã, thành phố thuộc Tỉnh) thiết kế tầng hầm để xe.
+. Nơi để xe đạp, xe máy, có thể được thiết kế với 85 % đến 95 % số lượng cán bộ công chức trong cơ quan. Số lượng chỗ để xe của khách, tính từ 15 % đến 25 % tổng số chỗ để xe của cơ quan.
CHÚ THÍCH: Trường hợp phương tiện giao thông đô thị phát triển có thể giảm tỷ lệ tính toán nêu trên.
+ Nhà để xe ô tô được thiết kế theo số lượng xe cụ thể của cơ quan và phải đảm bảo quy định an toàn về phòng chống cháy.
Nếu điều kiện không cho phép, có thể tận dụng bãi để xe công cộng ở gần khu vực cơ quan.
+ Tiêu chuẩn diện tích chỗ để xe được tính như sau:
++ Xe đạp: 0,90 m2/xe
++ Mô tô, xe máy: 3,0 m2/xe
++ Ô tô: 25,0 m2/xe
+. Chỗ để xe dưới tầng hầm được bố trí thiết bị thông gió và có cầu thang kín thông xuống tầng hầm.
+ Cần có lối ra vào riêng biệt cho xe máy và ô tô. Chiều cao tĩnh không của lối ra vào tầng hầm không được nhỏ hơn 2,2 m. Độ dốc của các lối ra vào tầng hầm không lớn hơn 15 %.
+ Các lối ra từ tầng hầm không được thông với hành lang của tòa nhà mà phải bố trí trực tiếp ra ngoài công trình. Trong tầng hầm ít nhất phải có hai lối thoát ra ngoài.
+ Khi thiết kế tầng hầm cần có không gian đệm và cửa ngăn cháy.
+Với cơ quan có từ 3 thang máy trở lên, có thể bố trí một thang máy xuống nhà để xe ở tầng hầm, có cửa ngăn cháy.