07:45 - 25/11/2024

Phương án quy hoạch hệ thống đô thị thế nào trong Quy hoạch Bình Thuận?

Phương án quy hoạch hệ thống đô thị thế nào trong Quy hoạch Bình Thuận? Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của Quy hoạch Bình Thuận là gì?

Nội dung chính

    Phương án quy hoạch hệ thống đô thị thế nào trong Quy hoạch Bình Thuận?

    Căn cứ vào khoản 1 Mục IV Điều 1 Quyết định 1701/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Theo đó, phương án quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Bình Thuận được quy định như sau:

    (1) Hệ thống đô thị

    Đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có 16 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại II là thành phố Phan Thiết, 01 đô thị loại III (thành phố La Gi), 03 đô thị loại IV (Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu), 11 đô thị loại V (Vĩnh Tân, Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Sơn Mỹ, Lạc Tánh, Đức Tài, Phú Quý).

    (2) Định hướng phát triển thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi:

    - Thành phố Phan Thiết là đô thị loại II (trong kỳ quy hoạch, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì nâng cấp thành đô thị loại I sớm hơn so với mục tiêu, định hướng của Quy hoạch tỉnh đã đề ra). Thành phố Phan Thiết phát triển trên cơ sở mở rộng không gian về phía Bắc trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và phía Tây trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, bao gồm hình thành khu đô thị sân bay Phan Thiết.

    Thành phố Phan Thiết là đô thị trung tâm của Tỉnh, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ; là đầu mối giao thông liên kết liên vùng huyện, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại, công nghiệp, khai thác và chế biến hải sản của Tỉnh; trung tâm du lịch và dịch vụ cấp quốc gia và quốc tế; là vùng đô thị động lực, trung tâm giao lưu, kết nối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên.

    - Thị xã La Gi: Là đô thị loại III trực thuộc tỉnh (trong kỳ quy hoạch, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì thực hiện nâng cấp thành đô thị loại II theo quy định hiện hành).

    Thị xã La Gi là đô thị động lực của Tỉnh, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghiệp tập trung, khai thác, chế biến hải sản thuộc tiểu vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận; trung tâm du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, lịch sử cấp vùng.

    Xem chi tiết phương án quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Bình Thuận: Tại đây

    Phương án quy hoạch hệ thống đô thị thế nào trong Quy hoạch Bình Thuận?

    Phương án quy hoạch hệ thống đô thị thế nào trong Quy hoạch Bình Thuận? (Hình từ Internet)

    Quy hoạch Bình Thuận xây dựng các vùng liên huyện ra sao?

    Căn cứ vào khoản 1 Mục VIII Điều 1 Quyết định 1701/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì phương án quy hoạch xây dựng các vùng liên huyện của tỉnh Bình Thuận như sau:

    - Vùng trung tâm (thành phố Phan Thiết và các huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam, huyện đảo Phú Quý): Là vùng đô thị hóa trọng điểm của Tỉnh. Phát triển mạnh du lịch, dịch vụ, thương mại mang tầm khu vực và quốc tế; hình thành khu đô thị sân bay Phan Thiết; Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi; công nghiệp kỹ thuật, công nghệ cao; phát triển Tổ hợp đô thị biển, dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản.

    - Vùng Đông Bắc (huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong): Là cửa ngõ kết nối với các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên. Phát triển trở thành Trung tâm công nghiệp năng lượng quốc gia; trung tâm dịch vụ cảng biển, vận tải, logistics của khu vực; hình thành công nghiệp khai khoáng, chế biến sâu titan của quốc gia; phát triển dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái biển, rừng, du lịch cộng đồng; phát triển nông, lâm nghiệp thủy sản chất lượng cao.

    - Vùng Tây Nam (thị xã La Gi và huyện Hàm Tân): Là cửa ngõ kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, là vùng kinh tế động lực mới phía Nam của Tỉnh. Nghiên cứu hình thành phát triển khu kinh tế ven biển gắn với bến cảng Sơn Mỹ và các khu, cụm công nghiệp (Sơn Mỹ 1, 2, Tân Đức và các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Nghĩa Hòa, Thắng Hải); hình thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển đô thị tổng hợp, trọng tâm là phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao tại đô thị La Gi và phát triển Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân - La Gi; phát triển du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa lịch sử; phát triển chế biến thủy hải sản và ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp.

    - Vùng Tây Bắc (huyện Đức Linh và huyện Tánh Linh): Là vùng liên kết với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tổng hợp, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái rừng, hồ, thác, văn hóa; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung (chuyên canh sản xuất lúa, cao su, sầu riêng, xoài,..); phát triển kinh tế trang trại; nuôi trồng, chế biến thủy hải sản nước ngọt; phát triển kinh tế lâm nghiệp (trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ xuất khẩu); phát triển vùng trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

    Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của Quy hoạch Bình Thuận là gì?

    Tại khoản 4 Mục II Điều 1 Quyết định 1701/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của Quy hoạch Bình Thuận như sau:

    - Đổi mới tư duy phát triển, chủ động, sáng tạo trong quản lý, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách (hoàn thiện thể chế) tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết, hợp tác, phát triển.

    - Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là nhân lực cho công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh, năng lượng sạch. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, tận tụy, có trách nhiệm với Nhân dân. Có cơ chế chính sách thu hút đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh.

    - Phát triển, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. Đưa dịch vụ khoa học và công nghệ trở thành yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Tỉnh trong kỳ quy hoạch.

    - Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng công nghệ số, hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối thuận tiện với các vùng, cả nước và quốc tế, góp phần tạo lập môi trường đầu tư phát triển thuận lợi, hiệu quả, hấp dẫn các nhà đầu tư. Huy động và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế.

    13