Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất được quy định như thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Đỗ Trần Quỳnh Trang
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất được quy định như thế nào? Khi bị xâm phạm quyền sử dụng đất thì có được Nhà nước bảo hộ quyền của mình không?

Nội dung chính

    Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 17 Luật Đất đai 2024 quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất như sau:

    (1) Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.

    (2) Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

    Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất được quy định như thế nào?

    Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

    Khi bị xâm phạm quyền sử dụng đất thì có được Nhà nước bảo hộ quyền của mình không?

    Căn cứ Điều 26 Luật Đất đai 2024 quy định trường hợp được Nhà nước bảo hộ như sau:

    Điều 26. Quyền chung của người sử dụng đất
    1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
    2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất sử dụng hợp pháp.
    3. Hưởng các lợi ích khi Nhà nước đầu tư để bảo vệ, cải tạo và phát triển đất nông nghiệp.
    4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, phục hồi đất nông nghiệp.
    5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
    6. Được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
    7. Được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
    8. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

    Như vậy, khi người sử dụng đất bị xâm phạm quyền sử dụng đất thì được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

    Trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất của Ủy ban nhân dân các cấp ra sao?

    Căn cứ Điều 20 Nghị định 101/2024/NĐ-CP về một số quy định cụ thể về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức triển khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất quy định như sau:

    Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức triển khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất
    1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
    a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và lập, cập nhật, chỉnh lý và quản lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
    b) Bố trí kinh phí để thực hiện việc đăng ký đất đai lần đầu.
    2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm triển khai đăng ký đất đai; hằng năm chỉ đạo rà soát và tổ chức đăng ký đất đai đối với các trường hợp chưa thực hiện đăng ký trên địa bàn; chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý các trường hợp không đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật.
    3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:
    a) Tổ chức việc đăng ký đất đai trên địa bàn; hướng dẫn, tuyên truyền người sử dụng đất thực hiện việc đăng ký đất đai; kiểm tra, xử lý các trường hợp không đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật;
    b) Thực hiện các công việc quy định tại Điều 33 của Nghị định này;
    c) Thành lập Hội đồng đăng ký đất đai lần đầu (sau đây gọi là Hội đồng đăng ký đất đai) để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Nghị định này.
    Thành phần Hội đồng đăng ký đất đai bao gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp xã; công chức làm công tác địa chính, tư pháp ở cấp xã; người đứng đầu, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư nơi có đất và các thành phần khác do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.
    Hội đồng đăng ký đất đai hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, thông qua họp trực tiếp hoặc gửi lấy ý kiến các thành viên. Kết quả tư vấn của Hội đồng đăng ký đất đai là căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Nghị định này;
    d) Thời gian thực hiện các công việc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Nghị định này theo thủ tục hành chính do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng không vượt quá 10 ngày làm việc.

    Như vậy, trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất của Ủy ban nhân dân các cấp được nêu cụ thể theo quy định trên.

    saved-content
    unsaved-content
    22