Ai có thẩm quyền chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Ai có thẩm quyền chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế? Hoàn trả đất có phải bảo đảm giữ ổn định phương án sử dụng đất nông nghiệp đã tập trung không?

Nội dung chính

Ai có thẩm quyền chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế?

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 151/2025/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 5. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai chuyển giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, bao gồm:
a) Chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 6 Điều 45 Luật Đất đai; phê duyệt phương án sử dụng đất lúa của cá nhân quy định tại khoản 7 Điều 45 Luật Đất đai;
[...]

Dẫn chiếu đến khoản 6 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

Điều 45. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
[...]
6. Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận. Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải có các nội dung chính sau đây:
a) Địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất;
b) Kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;
c) Vốn đầu tư;
d) Thời hạn sử dụng đất;
đ) Tiến độ sử dụng đất.
[...]

Như vậy, từ ngày 1/7/2025 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển giao thẩm quyền chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế.

Ai có thẩm quyền chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế?

Ai có thẩm quyền chấp thuận phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế? (Hình từ Internet)

Việc hoàn trả đất có phải bảo đảm giữ ổn định phương án sử dụng đất nông nghiệp đã tập trung không?

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 77 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 77. Thực hiện tập trung đất nông nghiệp
1. Tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất về các nội dung sau:
a) Phương thức tập trung theo quy định tại khoản 1 Điều 192 Luật Đất đai đối với từng người sử dụng đất, từng diện tích đất;
b) Thời gian thực hiện tập trung đất nông nghiệp;
c) Tỷ lệ diện tích đất mà người sử dụng đất phải đóng góp để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng để bảo đảm thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất nông nghiệp;
d) Phương án hoàn trả đất cho người sử dụng đất sau khi kết thúc việc tập trung đất nông nghiệp; việc hoàn trả đất phải bảo đảm giữ ổn định phương án sử dụng đất nông nghiệp đã tập trung;
đ) Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tham gia tập trung đất nông nghiệp đối với từng phương thức tập trung;
e) Các thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất gồm những nội dung sau:
a) Xác định phạm vi, quy mô, địa điểm, ranh giới khu vực tập trung đất nông nghiệp;
b) Hiện trạng sử dụng đất gồm: diện tích, mục đích, hình thức, thời hạn sử dụng đất, người quản lý, người sử dụng đất;
c) Xác định phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được tập trung;
d) Đề xuất sử dụng đất đối với diện tích đất do Nhà nước quản lý thuộc khu vực tập trung đất nông nghiệp;
đ) Dự kiến hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa; xác định diện tích đất chuyển sang sử dụng vào mục đích giao thông, thủy lợi nội đồng.
[...]

Theo đó, việc hoàn trả đất phải bảo đảm giữ ổn định phương án sử dụng đất nông nghiệp đã tập trung.

Sau khi phương án sử dụng đất nông nghiệp được phê duyệt, tổ chức kinh tế thực hiện việc thỏa thuận với ai?

Căn cứ khoản 3 Điều 78 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 78. Thực hiện tích tụ đất nông nghiệp
[...]
2. Tổ chức kinh tế thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua phương thức quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này phải lập phương án sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 45 Luật Đất đai gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản chấp thuận, trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Sau khi phương án sử dụng đất nông nghiệp được phê duyệt, tổ chức kinh tế thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; việc đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
4. Trường hợp tổ chức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giải thể, phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản.

Như vậy, sau khi phương án sử dụng đất nông nghiệp được phê duyệt, tổ chức kinh tế thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Nghị định 151/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025

saved-content
unsaved-content
24