04 năm đại học phải học bao nhiêu tín chỉ? Sinh viên nợ tín chỉ bị xử lý như thế nào?

04 năm đại học bao nhiêu tín chỉ? Sinh viên nợ tín chỉ bị xử lý như thế nào?

Nội dung chính


    04 năm đại học phải học bao nhiêu tín chỉ?

    Tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT có quy định về khối lượng học tập như sau:

    Khối lượng học tập

    1. Khối lượng học tập của chương trình đào tạo, của mỗi thành phần hoặc của mỗi học phần trong chương trình đào tạo được xác định bằng số tín chỉ.

    a) Một tín chỉ được tính tương đương 50 giờ học tập định mức của người học, bao gồm cả thời gian dự giờ giảng, giờ học có hướng dẫn, tự học, nghiên cứu, trải nghiệm và dự kiểm tra, đánh giá;

    b) Đối với hoạt động dạy học trên lớp, một tín chỉ yêu cầu thực hiện tối thiểu 15 giờ giảng hoặc 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận trong đó một giờ trên lớp được tính bằng 50 phút.

    2. Khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể như sau:

    a) Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành;

    b) Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;

    c) Chương trình đào tạo thạc sĩ: 60 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;

    d) Chương trình đào tạo tiến sĩ: 90 tín chỉ với người có trình độ thạc sĩ, 120 tín chỉ với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.

    3. Khối lượng học tập tối thiểu đối với các chương trình đào tạo song ngành phải cộng thêm 30 tín chỉ, đối với chương trình đào tạo ngành chính - ngành phụ phải cộng thêm 15 tín chỉ so với chương trình đào tạo đơn ngành tương ứng.

    Như vậy, đối với chương trình đào tạo đại học thì sinh viên phải hoàn thành tối thiểu 120 tín chỉ (chưa bao gồm tín giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh).

    Số lượng tín chỉ cụ thể mà sinh viên phải tích lũy trong 4 năm đại học có thể khác nhau tùy theo ngành học và trường đại học. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể đăng ký học thêm các tín chỉ tự chọn, tùy theo nhu cầu và khả năng của bản thân.

    04 năm đại học phải học bao nhiêu tín chỉ? Sinh viên nợ tín chỉ bị xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)

    Sinh viên nợ tín chỉ bị xử lý như thế nào?

    Tại Điều 11 Quy chế đào tạo trình độ đại học được ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định về xử lý kết quả học tập tín chỉ đối với sinh viên nợ tín chỉ như sau:

    Xử lý kết quả học tập theo tín chỉ

    1. Cuối mỗi học kỳ chính, sinh viên được cảnh báo học tập dựa trên một số điều kiện như sau:

    a) Tổng số tín chỉ không đạt trong học kỳ vượt quá 50% khối lượng đã đăng kí học trong học kỳ, hoặc tổng số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa học vượt quá 24;

    b) Điểm trung bình học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,0 đối với các học kỳ tiếp theo;

    .......

    Ngoài ra, theo Điều 12 Quy chế đào tạo trình độ đại học được ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về xử lý kết quả học tập theo niên chế đối với sinh viên nợ tín chỉ cụ thể như:

    Xử lý kết quả học tập theo niên chế

    1. Cuối mỗi năm học, sinh viên được đánh giá đạt tiến độ học tập bình thường và được học tiếp lên năm học sau nếu đạt cả hai điều kiện sau:

    a) Điểm trung bình năm học đạt từ 1,0 trở lên đối với năm học thứ nhất, từ 1,2 trở lên đối với năm thứ hai và từ 1,4 đối với năm thứ ba trở đi;

    b) Số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa không vượt quá 16.

    .......

    Như vậy, sinh viên nợ tín chỉ với một số lượng nhất định thì sẽ bị xử lý như sau:

    (1) Đối với xử lý kết quả học tập theo tín chỉ, sinh viên được cảnh báo học tập nếu như:

    - Tổng số tín chỉ không đạt trong học kỳ vượt quá 50% khối lượng đã đăng kí học trong học kỳ, hoặc tổng số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa học vượt quá 24;

    - Điểm trung bình học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,0 đối với các học kỳ tiếp theo;

    - Điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 đối với sinh viên trình độ năm thứ nhất, dưới 1,4 đối với sinh viên trình độ năm thứ hai, dưới 1,6 đối với sinh viên trình độ năm thứ ba dưới 1,8 đối với sinh viên các năm tiếp theo.

    Ngoài ra, sinh viên bị buộc thôi học trong các trường hợp sau:

    - Số lần cảnh báo học tập hoặc mức cảnh báo học tập vượt quá giới hạn theo quy định của cơ sở đào tạo;

    - Thời gian học tập vượt quá giới hạn theo quy định.

    (2) Đối với xử lý kết quả học tập theo niên chế, sinh viên không được học tiếp lên năm học sau nếu:

    - Số tín chỉ mà sinh viên nợ đọng từ đầu khóa vượt quá 16 tín chỉ

    - Điểm trung bình năm học đạt từ 1,0 trở lên đối với năm học thứ nhất, từ 1,2 trở lên đối với năm 2 và từ 1,4 đối với năm 3 trở đi.

    Bên cạnh đó, sinh viên bị buộc thôi học trong các trường hợp sau:

    - Điểm trung bình năm học đạt dưới 0,8;

    - Điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 sau 2 năm học, dưới 1,4 sau 3 năm học và dưới 1,6 từ sau 4 năm học trở đi;

    - Thời gian học tập vượt quá giới hạn theo quy định.

    Sinh viên trường đại học dân lập có những quyền hạn gì?

    Tại Điều 50 Quy chế Trường đại học dân lập ban hành kèm theo Quyết định 86/2000/QĐ-TTg có quy định sinh viên trường đại học dân lập có các quyền như sau:

    - Được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về việc học tập của mình như sinh viên trường đại học công lập.

    - Học sau đại học, học trước tuổi, học vượt lớp, học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, ngừng học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    - Tham gia hoạt động các đoàn thể, tổ chức xã hội trong trường theo quy định của pháp luật.

    - Sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể dục, thể thao của trường.

    - Trực tiếp hoặc thông qua tổ chức, đoàn thể của mình kiến nghị với nhà trường các giải pháp nhằm góp phần xây dựng nhà trường, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học.

    - Được hưởng các chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước.

    - Được bình đẳng trong cơ hội tìm kiếm việc làm như sinh viên các trường đại học công lập.

     

    saved-content
    unsaved-content
    1