09:57 - 08/11/2024

Vật chứng trong vụ án hình sự phải được thu thập như thế nào?

Vật chứng trong vụ án hình sự phải được thu thập như thế nào?

Nội dung chính

    Vật chứng trong vụ án hình sự phải được thu thập như thế nào?

    Việc thu thập vật chứng trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). 

    Theo đó: Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.

    Đối với các yêu cầu này trong quá trình thu thập vật chứng, để bạn nắm rõ hơn, chúng tôi phân tích như sau:

    Thu thập kịp thời được hiểu là hoạt động thu thập phải được tiến hành đúng lúc, nhanh chóng, không để chậm trể nhằm đảm bảo tính nguyên vẹn của vật chứng và đảm bảo cho vật chứng được thu thập giữ nguyên giá trị chứng minh cũng như giá trị sử dụng. Có nghĩa là khi có tội phạm xảy ra, hoạt động thu thập vật chứng phải được tiến hành ngay lập tức cùng với các hoạt động thu thập chứng cứ khác. Tùy theo từng loại vật chứng khác nhau mà áp dụng các phương pháp thu thập phù hợp. Đây được xem là yêu cầu rất quan trọng của hoạt động thu thập vật chứng vì nếu để chậm trễ thì có thể sẽ không thu thập được chứng cứ do vật chứng chứa đựng khi dấu vết của hiện trường bị mất, bị xáo trộn, bị xóa hoặc vật chứng có thể bị kẻ phạm tội tiêu hủy, tẩu tán.

    Thu thập đầy đủ là thu thập tất cả những vật chứng có liên quan đến việc làm rõ các tình tiết cần phải chứng minh trong vụ án, tức việc thu thập không để bỏ sót, mất mát vật chứng dù là vật nhỏ nhất, tầm thường nhất.

    Thứ hai, khi thu thập vật chứng phải mô tả đúng thực trạng của chúng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Nguyên tắc này đòi hỏi trong quá trình thu thập, mọi vật chứng đều phải được mô tả đúng thực trạng tức đặc điểm của nó về tên, mác, mã số, ký hiệu, số lượng, trọng lượng, chất lượng, màu sắc, hình dáng, … vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án để có cơ sở giải quyết vụ án được chính xác. Chẳng hạn, khi thu giữ chiếc xe đạp là tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án trộm cắp tài sản thì phải mô tả chi tiết thực trạng chiếc xe đó từ nhãn hiệu, màu sơn, đặc điểm riêng của từng bộ phận; nếu là tiền mặt thì phải ghi rõ số lượng các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi thêm là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số in trên đồng tiền. Việc mô tả đầy đủ còn có tác dụng đề phòng vật chứng có thể bị hư hỏng, đánh tráo hoặc đổi chác trong quá trình bảo quản dẫn đến việc giải quyết vụ án bị sai lệch.

    Lập biên bản được xem là hình thức ghi nhận phổ biến được Bộ luật tố tụng hình sự ghi nhận đối với việc thu thập chứng cứ nói chung và vật chứng nói riêng. Bằng hình thức lập biên bản có thể tiến hành ghi nhận được nhiều thông tin từ vật chứng. Đồng thời, cách này có thể cho phép lựa chọn những thông tin cần thiết để ghi nhận theo hướng điều tra đã được vạch ra. Ngôn ngữ viết là phương tiện được sử dụng của hình thức ghi nhận này. Do đó, người lập biên bản phải đảm bảo đúng chính tả, đúng pháp luật.

    Trân trọng!

    2