Có thể tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự không?
Nội dung chính
Có thể tách việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự không?
Căn cứ Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Theo đó, có thể tách việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự.
Có thể tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự không?
Thủ tục thụ lý giải quyết vụ án hình sự về phần dân sự được hướng dẫn như thế nào?
Tham khảo nội dung được nêu tại tiểu mục 2 Mục III Công văn 121/2003/KHXX, thủ tục thụ lý giải quyết vụ án hình sự về phần dân sự được hướng dẫn như sau:
- Trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm, Toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quyết định tách phần dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự, khi có yêu cầu theo hướng dẫn tại các điểm, mục tương ứng Phần II của Công văn này, thì Toà án chỉ thụ lý để giải quyết phần dân sự khi đương sự có yêu cầu (có đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện). Việc thụ lý và giải quyết vụ án được tiến hành theo thủ tục chung theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.
- Trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc Toà án cấp phúc thẩm, Toà án cấp giám đốc hoặc tái thẩm quyết định tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra theo hướng dẫn tại các điểm, mục tương ứng Phần II của Công văn này, thì sau khi nhận được hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển đến Toà án cấp sơ thẩm thụ lý và chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục chung theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Như vậy, Toà án chỉ thụ lý để giải quyết phần dân sự khi đương sự có yêu cầu (có đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện). Việc thụ lý và giải quyết vụ án được tiến hành theo thủ tục chung theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.
Trường hợp vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tách ra giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự?
Theo quy định tại tiểu mục 2 Mục II Công văn 206/TANDTC-PC hướng dẫn như sau:
2. Bị cáo là đồng phạm trong một vụ án. Trong giai đoạn xét xử, bị cáo chết. Bị cáo có tài sản riêng để bồi thường thiệt hại. Tòa án có đưa những người thừa kế tài sản của bị cáo đã chết vào tham gia tố tụng để giải quyết phần trách nhiệm dân sự không? Nếu có thì xác định tư cách tham tố tụng của những người này như thế nào? Khi tuyên án về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của bị cáo theo hướng buộc những người thừa kế của bị cáo phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do bị cáo để lại trong phạm vi di sản hay chỉ cần tuyên buộc các đồng phạm còn lại có trách nhiệm liên đới bồi thường và tách yêu cầu hoàn trả của các đồng phạm (đã thực hiện nghĩa vụ liên đới thay cho bị cáo đã chết) đối với những người thừa kế tài sản của bị cáo để giải quyết thành vụ án dân sự khác?
Trường hợp có thể giải quyết trong cùng một vụ án thì khi giải quyết phần trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại, Tòa án đưa người thừa kế tài sản của bị cáo tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Khi thực hiện nghĩa vụ bồi thường, căn cứ Điều 615 Bộ luật Dân sự, người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trường hợp, không thể giải quyết trong cùng vụ án hình sự thì Tòa án buộc các đồng phạm còn lại có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Căn cứ quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án tách vụ án dân sự (giải quyết nghĩa vụ bồi thường giữa các bị cáo khác và người thừa kế của bị cáo) theo thủ tục tố tụng dân sự.
Theo đó, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tách ra giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự trong trường hợp khi giải quyết phần trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại, Tòa án đưa người thừa kế tài sản của bị cáo tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khi thực hiện nghĩa vụ bồi thường nhưng, không thể giải quyết trong cùng vụ án hình sự thì Tòa án buộc các đồng phạm còn lại có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Thì Tòa án tách vụ án dân sự (giải quyết nghĩa vụ bồi thường giữa các bị cáo khác và người thừa kế của bị cáo) theo thủ tục tố tụng dân sự căn cứ quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.