17:17 - 18/11/2024

Thủ tục cho tại ngoại đối với bị can trong vụ án hình sự

Tôi muốn hỏi con tôi phạm tội trộm cắp tài sản bị công an điều tra bắt và khởi tố ngày 06/07/2016 và con tôi không bị tạm giam, tạm giữ và được cho tại ngoại. Con tôi có ăn trộm một cái máy tính sách tay giá 3 triệu 600 nghìn. Đến ngày 06/09/2016 con tôi nhận được một giấy triệu tập của tòa án để lên làm thủ tục cho bị cáo tại ngoại. Tôi muốn hỏi làm thủ tục cho bị cáo là làm sao?

Nội dung chính

    Thủ tục cho tại ngoại đối với bị can trong vụ án hình sự

    Căn cứ Điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn như sau: "Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm."

    Như bạn trình bày, con bạn không bị tạm giam, tạm giữ và được tại ngoại. Theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự 2003, có rất nhiều biện pháp ngăn chặn được Tòa án áp dụng. 

    Khoản 1 Điều 92 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh”

    Như vậy, Tòa án mời gia đình bạn lên để thực hiện thủ tục bảo lĩnh cho con bạn. Thủ tục bảo lĩnh thực hiện theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 như sau:

    - Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

    - Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

    - Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

    Như vậy, để làm thủ tục bảo lĩnh thì gia đình bạn có thể cử ra 2 người là thân thích để đứng ra bảo lĩnh cho con bạn. Những người này phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và phải đến chính quyền địa phương nơi đang cư trú xin xác nhận về việc bảo lĩnh. Khi làm thủ tục bảo lĩnh, người bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền.

    Trên đây là tư vấn về thủ tục cho tại ngoại đối với bị can trong vụ án hình sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để nắm rõ quy định này.

    Trân trọng!

    8