09:26 - 09/11/2024

Văn phòng công chứng không đóng dấu giáp lai thì bị xử phạt vi phạm bao nhiêu tiền?

Mục đích của việc đóng dấu giáp là gì? Văn phòng công chứng không đóng dấu giáp lai thì bị xử phạt vi phạm bao nhiêu tiền? Quy định về đóng dấu giáp lai nhiều trang trong văn bản hành chính năm 2024?

Nội dung chính

    Mục đích của việc đóng dấu giáp là gì?

    Việc đóng dấu giáp lai nhằm đảm bảo tính xác thực của từng trang trong văn bản, tránh việc thay đổi nội dung, tài liệu sai lệch.

    Ngoài ra, đóng dấu giáp lai nhằm đảm bảo tính khách quan của tài liệu, ngăn chặn việc văn bản bị thay thế hoặc bị làm sai kết quả đã được

    Hiện nay, văn bản nào phải đóng giấu giáp lai sẽ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý ngành cụ thể ban hành. Theo hướng dẫn của Công văn 6550/TCHQ-VP năm 2012, các văn bản do cơ quan hải quan ban hành phải đóng dấu giáp lai bao gồm:

    - Quyết định giải quyết khiếu nại.

    - Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

    - Quyết định thanh tra, Quyết định kiểm tra.

    - Quyết định miễn thuế hàng hóa xuất nhập khẩu.

    - Quyết định ấn định thuế.

    - Quyết định kiểm tra sau thông quan.

    - Quyết định cử cán bộ đi công tác nước ngoài (để làm hộ chiếu công vụ).

    - Thông báo giải quyết khiếu nại, tố cáo.

    - Thông báo phạt chậm nộp.

    - Kết luận kiểm tra, thanh tra.

    - Kết luận xác minh đơn tố cáo.

    - Báo cáo kết quả xác minh đơn tố cáo.

    - Biên bản làm việc.

    - Hợp đồng, phụ lục hợp đồng, thanh lý hợp đồng.

    - Biểu mẫu, phụ lục có nội dung liên quan đến số liệu tài chính, kế toán thuế, thống kê tình hình xuất nhập khẩu.

    Văn phòng công chứng không đóng dấu giáp lai thì bị xử phạt vi phạm bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)

    Văn phòng công chứng không đóng dấu giáp lai thì bị xử phạt vi phạm bao nhiêu tiền?

    Căn cứ khoản 1 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm đối với văn phòng công chứng không đóng dấu giáp lai như sau:

    Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng

    1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    a) Không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ lịch làm việc; thủ tục công chứng; nội quy tiếp người yêu cầu công chứng; phí công chứng, thù lao công chứng, chi phí khác; danh sách cộng tác viên phiên dịch tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng;

    b) Đăng báo nội dung đăng ký hoạt động không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung hoặc không đúng số lần theo quy định;

    c) Thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ chế độ báo cáo; báo cáo không chính xác về tình hình tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng;

    d) Lập, quản lý, sử dụng sổ trong hoạt động công chứng hoặc sử dụng biểu mẫu không đúng quy định;

    đ) Lưu trữ hồ sơ công chứng không đúng quy định;

    e) Sử dụng biển hiệu không đúng mẫu hoặc nội dung biển hiệu không đúng giấy đăng ký hoạt động;

    g) Phân công công chứng viên hướng dẫn tập sự không đúng quy định;

    h) Từ chối tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng do Sở Tư pháp chỉ định mà không có lý do chính đáng;

    i) Từ chối nhận lưu giữ di chúc mà không có lý do chính đáng;

    k) Không duy trì việc đáp ứng điều kiện về trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định;

    l) Không đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng vào văn bản công chứng đã có chữ ký của công chứng viên hoặc không đóng dấu giáp lai giữa các tờ đối với văn bản công chứng có từ 02 tờ trở lên;

    ...

    Ngoài ra, căn cứ Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền khi xử phạt vi phạm như sau:

    Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

    ...

    4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

    ...

    Như vậy, văn phòng công chứng không đóng dấu giáp lai giữa các tờ đối với văn bản công chứng có từ 02 tờ trở lên thì sẽ bị xử phạt vi phạm với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

    Lưu ý, mức phạt trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

    Quy định về đóng dấu giáp lai nhiều trang trong văn bản hành chính năm 2024?

    Theo quy định Điều 33 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về sử dụng con dấu như sau:

    Sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật

    1. Sử dụng con dấu

    a) Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu màu đỏ theo quy định.

    b) Khi đóng dấu lên chữ ký, dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.

    c) Các văn bản ban hành kèm theo văn bản chính hoặc phụ lục: Dấu được đóng lên trang đầu, trùm một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tiêu đề phụ lục.

    d) Việc đóng dấu treo, dấu giáp lai, đóng dấu nổi trên văn bản giấy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định.

    đ) Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.

    2. Sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật

    Thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức được sử dụng để ký số các văn bản điện tử do cơ quan, tổ chức ban hành và bản sao từ văn bản giấy sang văn bản điện tử.

    Qua quy định trên, dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.

    Trân trọng!

    20