UBND cấp huyện tại Hà Nội sẽ có 10 phòng chuyên môn sau sắp xếp
Nội dung chính
UBND cấp huyện tại Hà Nội sẽ có 10 phòng chuyên môn sau sắp xếp
Ngày 11/2/2025, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn 429/UBND-NC năm 2025 về việc hoàn thiện phương án sắp xếp bộ máy các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu quận, huyện, thị xã hoàn thành việc ban hành Nghị quyết thành lập, quyết định phân bổ biên chế và quyết định về công tác cán bộ đối với các phòng chuyên môn sau sắp xếp tổ chức bộ máy trong khoảng thời gian từ ngày 18/02/2025 đến 20/02/2025.
Theo phương án sắp xếp bộ máy các phòng chuyên môn thuộc UBND, UBND cấp huyện tại Hà Nội sẽ duy trì 06 phòng và tương đương: (1) Văn phòng HĐND và UBND; (2) Thanh tra; (3) Phòng Tư pháp; (4) Phòng Tài chính - Kế hoạch (sau sắp xếp đổi tên là Phòng Tài chính); (5) Phòng Giáo dục và Đào tạo; (6) Phòng Y tế.
Ngoài ra, phương án còn có sự sắp xếp, hợp nhất, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số phòng, cụ thể:
- Sáp nhập phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và phòng Nội vụ (tên gọi sau sắp xếp: Phòng Nội vụ); chuyển chức năng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn về phòng Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn về phòng Y tế.
- Đối với phòng Tài nguyên và Môi trường
+ Khối quận: Chuyển chức năng phòng chống thiên tai, các lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp (đối với các quận còn lĩnh vực nông nghiệp) từ phòng Kinh tế về phòng Tài nguyên và Môi trường; tên gọi sau sắp xếp là phòng Tài nguyên và Môi trường.
+ Khối huyện và thị xã: Tiếp nhận chức năng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công tác phòng chống thiên tai từ phòng Kinh tế và đổi tên thành phòng Nông nghiệp và Môi trường.
- Phòng Văn hoá - Thông tin tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo từ phòng Kinh tế và đổi tên thành phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin.
- Đối với phòng Kinh tế
+ Khối quận: Chuyển chức năng phòng, chống thiên tai, các lĩnh vực thuộc chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ phòng Kinh tế về phòng Tài nguyên và Môi trường; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về phòng Văn hóa và Thông tin; hợp nhất với phòng Quản lý đô thị và đổi tên phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị.
+ Khối huyện và thị xã: Chuyển chức năng lĩnh vực nông nghiệp; lâm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản; phát triển nông thôn về phòng Nông nghiệp và Môi trường; chuyển chức năng thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin; hợp nhất với phòng Quản lý đô thị và đổi tên phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị.
- Phòng Dân tộc (hiện chỉ có 01 phòng thuộc UBND huyện Ba Vì): Giải thể phòng Dân tộc thuộc UBND huyện Ba Vì, chuyển chức năng, nhiệm vụ của phòng Dân tộc về phòng Nội vụ.
Như vậy, tổ chức bộ máy UBND cấp huyện tại Hà Nội sẽ có 10 phòng chuyên môn sau sắp xếp, cụ thể:
(1) Phòng Nội vụ;
(2) Phòng Tư pháp;
(3) Phòng Tài chính;
(4) Phòng Giáo dục và Đào tạo;
(5) Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị;
(6) Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin;
(7) Phòng Y tế;
(8) Thanh tra;
(9) Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
(10) Phòng Tài nguyên và Môi trường (tại các huyện, thị xã là phòng Nông nghiệp và Môi trường).
Trước kia, tổ chức bộ máy tổ chức bộ máy UBND cấp huyện tại Hà Nội gồm 12 phòng chuyên môn, gồm: Phòng Nội vụ; Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Kinh tế; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Phòng Y tế; Thanh tra; Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội.
Như vậy, so với tổ chức bộ máy UBND cấp huyện tại Hà Nội trước đó, số lượng phòng chuyên môn sau sắp xếp đã giảm xuống còn 10 phòng khi bỏ đi 2 Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội và Quản lý đô thị.
UBND cấp huyện tại Hà Nội sẽ có 10 phòng chuyên môn sau sắp xếp (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ và quyền hạn của UBND cấp huyện
Căn cứ theo Điều 28 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 được bổ sung bởi điểm b khoản 5 Điều 102 Luật Đầu tư công 2024, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
- Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân huyện quyết định các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 245 Luật Đất đai 2024 và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện.
- Quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện.
- Tổ chức thực hiện ngân sách huyện; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mạng lưới giao thông, thủy lợi, xây dựng điểm dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, tài nguyên thiên nhiên khác; bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.
- Phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân huyện.
- Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công.