Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Nội dung chính
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Vì thông tin bạn đưa ra không đầy đủ, bạn có trình bày bố bạn được người khác thuê chở 5 tấn vôi, trên đường đi bất ngờ xe bị nổ lốp khiến xe bị lật nghiêng và làm thiệt hại toàn bộ 5 tấn vôi của khách hàng. Trường hợp này được hiểu bố bạn và bên thuê bố bạn đã xác lập hợp đồng vận chuyển hàng hóa (vận chuyển vôi). Bố bạn là bên vận chuyển, bên thuê là bên thuê vận chuyển.
Theo Điều 541 Bộ luật dân sự 2015 thì:
1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này.
2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.
3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, bố bạn phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất mát hoặc hư hỏng do lỗi của bố bạn. Nếu trường hợp bất khả kháng dẫ đến tài sản bị mất mát, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên thuê vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Do vậy, theo bạn trình bày thì trong quá trình vận chuyển vôi, xe của bố bạn bị nổ lốp nên gây thiệt hại 5 tấn vôi. Cần phải xác minh rõ lý do xe bị nổ lốp là gì? Do bố bạn chở quá trọng tải hay rơi ổ gà, lốp xe thiếu hơi hay quá cũ… Nếu việc nổ lốp là do lỗi của bố bạn (chở quá trọng tải hàng hóa, đi xe khi lốp thiếu hơi, để lốp xe quá cũ không đạt tiêu chuẩn...) thì bố bạn hoàn toàn phải chịu trách nhiệm bồi thường, trường hợp việc nổ lốp không phải do lỗi của bố bạn thuộc trường hợp bất khả kháng (rơi ổ gà, đâm phải đinh nhọn,...) thì bố bạn không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, bố bạn cần phải chứng minh được lỗi không phải do bố bạn mà do sự kiện bất khả kháng thì mới không phải chịu trách nhiệm bồi thường.