Thẩm quyền của UBND xã trong việc xử lý vi phạm quy định về Giấy CNĐKKD đối với hộ kinh doanh
Nội dung chính
Thẩm quyền của UBND xã trong việc xử lý vi phạm quy định về Giấy CNĐKKD đối với hộ kinh doanh
Trong tình huống nêu trên, Chủ tịch UBND xã S cần phải giải quyết những vấn đề như sau:
Thứ nhất, Chủ tịch UBND xã S có đủ thẩm quyền và điều kiện cần thiết để xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh cá thể do ông Lý làm chủ hộ không? Mặc dù đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng hộ kinh doanh cá thể của ông Lý vẫn đang thực hiện hoạt động kinh doanh. Biểu hiện chứng tỏ hộ kinh doanh cá thể của ông Lý vẫn đang tiến hành hoạt động kinh doanh là: có 08 người lao động đang làm thuê tại hộ kinh doanh của ông Lý, vợ ông lý đang nhập nguyên, vật liệu, hàng hóa đang sản xuất dở chất đầy xưởng sản xuất. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc tới lý do của ông Lý đưa ra như 08 người lao động là bà con của ông Lý. Chủ tịch UBND xã S cần tiến hành xác minh nhân thân của 08 người lao động, hợp đồng thuê lao động, thời gian làm việc tại cơ sở sản xuất của ông Lý để có cơ sở chắc chắn khẳng định họ là những người đang làm thuê tại hộ kinh doanh do ông Lý làm chủ. Như vậy, căn cứ vào khoản 3 Điều 11 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, ông Lý đã có hành vi tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP về vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Căn cứ quy định tại Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12, thì Chủ tịch UBND xã S có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của ông Lý.
Thứ hai, Chủ tịch UBND xã S phải làm gì khi lập xong biên bản về vi phạm hành chính mà ông Lý vẫn không ký? Căn cứ khoản 3 Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 Điều 1 Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12 thì biên bản phải được lập thành ít nhất hai bản có chữ ký của người có thẩm quyền, của người vi phạm và chữ ký của người làm chứng. Trường hợp ông Lý từ chối không ký vào biên bản thì người lập biên bản cần phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Căn cứ vào Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, khoản 3 Điều 11 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và mức độ vi phạm của hộ kinh doanh cá thể, Chủ tịch UBND xã S ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian 10 ngày kể từ ngày lập biên bản với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với ông Lý.