17:35 - 11/11/2024

Sử dụng giấy tờ giả mạo để yêu cầu công chứng có bị phạt không?

Sử dụng giấy tờ giả mạo để yêu cầu công chứng có bị phạt không? Phạt như nào với hành vi sử dụng giấy tờ giả mạo để yêu cầu công chứng? Chào Luật sư, tôi là A và tôi có mua một mảnh đất từ người quen của tôi. Tôi đang muốn xây nhà trên mảnh đất đó nhưng mảnh đất chưa có GCNQSDĐ nên tôi không xây được vì chính quyền không cho. Tôi có nhờ anh T (cò đất) giúp đỡ nhưng anh T đã làm giả GCNQSDĐ cho mảnh đất đứng tên của anh ta và cùng một số giấy tờ cá nhân giả mạo khác. Sau đó anh T bán mảnh đất đó cho X với giá 5 tỷ. T đã sử dụng những giấy tờ đó ký hợp đồng mua bán với X và công chứng tại phòng công chứng O. X đã xây nhà trên mảnh đất của tôi và bây giờ giữa tôi và X có tranh chấp. Tôi không biết hành vi giả mạo để yêu cầu công chứng thì có bị phạt không và nếu bị phạt thì phạt như nào ạ? Mong được luật sư giải đáp ạ.

Nội dung chính

    Sử dụng giấy tờ giả mạo để yêu cầu công chứng có vi phạm pháp luật không?

    Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 7 Luật Công chứng 2014 có quy định về nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi sau đây:

    a) Giả mạo người yêu cầu công chứng;

    b) Người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng;

    c) Người làm chứng, người phiên dịch có hành vi gian dối, không trung thực;

    d) Cản trở hoạt động công chứng.

    Theo Khoản 1 Điều 47 Luật Công chứng 2014 người yêu cầu công chứng được quy định:

    Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự.

    Trường hợp người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó.

    Người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.

    Như vậy, sử dụng giấy tờ giả mạo để yêu cầu công chứng là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này T đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và những giấy tờ cá nhân khác để yêu cầu công chứng thì T đã vi phạm pháp luật.

    Phạt như nào với hành vi sử dụng giấy tờ giả mạo để yêu cầu công chứng?

    Tại Điểm l Khoản 2 Điều 81 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

     

    ....

     

    i) Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên; hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;

    k) Sử dụng các loại chứng chỉ, thẻ, giấy đăng ký, giấy phép giả;

    l) Sử dụng giấy tờ, văn bản giả để yêu cầu công chứng;

    m) Sử dụng giấy tờ, văn bản giả để yêu cầu chứng thực;

    n) Sử dụng giấy tờ, văn bản giả để đủ điều kiện là người được trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;

    o) Sử dụng giấy tờ, văn bản giả để làm thủ tục đăng ký, xác định, thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin về hộ tịch;

    ...

    Theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:

    1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Phạm tội 02 lần trở lên;

    c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

    d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

    đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

    e) Tái phạm nguy hiểm.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

    b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

    c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

    4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Do đó, hành vi sử dụng giấy tờ giả mạo để yêu cầu công chứng có thể bị phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm và có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Trân trọng!

    5