Phân biệt việc dân sự và vụ án dân sự? Đương sự trong việc dân sự và vụ án dân sự được quy định thế nào?
Nội dung chính
Thế nào là việc dân sự và vụ án dân sự?
Theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 ghi nhận thì có thể hiểu như sau:
- Vụ án dân sự là các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được Tòa án giải quyết thông qua thủ tục khởi kiện.
- Việc dân sự là các yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được Tòa án giải quyết thông qua thủ tục yêu cầu.
Phân biệt việc dân sự và vụ án dân sự? Đương sự trong việc dân sự và vụ án dân sự được quy định thế nào?
Phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự trong tố tụng dân sự như thế nào?
Căn cứ tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì vụ án dân sự và việc dân sự được phân biệt dựa trên các tiêu chí sau:
Tiêu chí | Vụ án dân sự | Việc dân sự |
Định nghĩa | Tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được Tòa án giải quyết thông qua thủ tục khởi kiện. | Yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được Tòa án giải quyết thông qua thủ tục yêu cầu. |
Bản chất | Khi có tranh chấp xảy ra | Không có tranh chấp xảy ra |
Hình thức giải quyết | Khởi kiện ra Tòa án | Yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một yêu cầu làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự |
Cách thức Tòa án giải quyết | Xét xử theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. | Xác minh, ra quyết định, tuyên bố |
Thành phần giải quyết | - Sơ thẩm vụ án dân sự: 01 Thẩm phán, 02 Hội thẩm nhân dân; - Trường hợp đặc biệt: 02 thẩm phán và 03 Hội thẩm nhân dân; - Phúc thẩm vụ án dân sự: 03 Thẩm phán. (Điều 63, Điều 64, Điều 66 Bộ luật Dân sự 2015) | - 03 Thẩm phán: Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính; về hôn nhân và gia đình; về kinh doanh, thương mại… của Tòa án nước ngoài - 01 Thẩm phán: Các trường hợp còn lại; - Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định về Trọng tài thương mại. (Điều 438, Điều 63, Điều 67 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015) |
Trình tự giải quyết | - Trình tự chặt chẽ, thủ tục nhiều, phức tạp - Mở phiên tòa | - Trình tự giải quyết đơn giản hơn - Phải mở phiên họp |
Kết quả | Bản án của Tòa án | Quyết định của Tòa án |
Phí, lệ phí | Án phí dân sự sơ thẩm: Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch: 300.000 đồng Tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch: 3.000.000 đồng Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình; kinh doanh thương mại; lao động có giá ngạch: Dựa trên giá trị tài sản có tranh chấp. Án phí dân sự phúc thẩm: - Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động: 300.000 đồng - Tranh chấp về kinh doanh, thương mại: 2.000.000 đồng. (Danh mục án phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14) | Lệ phí giải quyết việc dân sự: 300.000 đồng (Danh mục án phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14) |
Đương sự trong việc dân sự và vụ án dân sự là những người nào?
Đương sự trong vụ việc dân sự được quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cụ thể như sau:
- Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
- Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.