Nữ nữ làm đám cưới với nhau được không?
Nội dung chính
Nhà nước có bắt buộc phải làm đám cưới?
Căn cứ Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Điều 9. Đăng ký kết hôn
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Theo đó, dưới góc độ pháp luật, nhà nước chỉ công nhận các cặp đôi là vợ chồng khi họ đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, cần biết rằng, lễ cưới là một phong tục truyền thống đặc biệt, đánh dấu khởi đầu cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc của đôi uyên ương. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình nhà trai, nhà gái cùng bạn bè tụ họp, chúc phúc cho cặp dâu rể và công nhận mối liên kết thiêng liêng của cuộc hôn nhân trong mắt xã hội.
Trong văn hóa Á Đông, lễ cưới mang theo thông điệp sâu sắc, không chỉ tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên mà còn truyền đạt niềm hy vọng về một năm mới an lành, thịnh vượng cho cặp đôi trẻ.
Chung quy lại, tổ chức đám cưới không phải là yêu cầu bắt buộc của nhà nước. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và pháp luật về hộ tịch.
Nữ nữ làm đám cưới với nhau được không? (Hình từ Internet)
Nữ nữ làm đám cưới với nhau được không?
Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Theo đó, nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa nữ với nữ. Và hai người sẽ không đủ điều kiện kết hôn. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, làm đám cưới là phong tục truyền thống với mục đích là ra mắt họ hàng và pháp luật cũng không có quy định cụ thể cấm việc nữ nữ làm đám cưới.
Nên, nữ nữ làm đám cưới với nhau thì hoàn toàn vẫn được phép.
Nhà nước bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:
- Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
- Cấm các hành vi sau đây:
+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
+ Yêu sách của cải trong kết hôn;
+ Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
+ Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
+ Bạo lực gia đình;
+ Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
- Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
Có được áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình không?
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và không vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được áp dụng.