Những hoạt động đặc sắc nào tại lễ hội Lim 2025 sắp diễn ra?
Nội dung chính
Tìm hiểu về lễ hội Lim
Lễ hội Lim là một trong những lễ hội truyền thống nổi bật của người dân Bắc Ninh, diễn ra tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đây được xem là tinh hoa văn hóa vùng Kinh Bắc, nơi lưu giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của dân ca Quan họ.
Lễ hội thường được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 14 tháng Giêng âm lịch, trong đó ngày 13 là ngày hội chính. Từ khâu chuẩn bị đến cử hành nghi lễ, hội Lim luôn mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền. Nguồn gốc của lễ hội vẫn còn nhiều giả thuyết, có thể xuất phát từ hội chùa, hội hát dân ca Quan họ, hoặc gắn với truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương. Theo tư liệu lịch sử, hội Lim đã phát triển thành một lễ hội quy mô lớn từ thế kỷ 18 dưới sự đóng góp của các danh nhân địa phương như quận công Đỗ Nguyên Thụy và tướng công Nguyễn Đình Diễn.
Phần lễ bao gồm nghi thức rước, tế lễ tại các di tích quan trọng như đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy và chùa Hồng Ân. Đoàn rước với những bộ trang phục truyền thống tạo nên không khí trang nghiêm và long trọng.
Phần hội là sự kết hợp của nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc biệt là những làn điệu Quan họ mượt mà, say đắm lòng người. Những canh hát Quan họ trên thuyền hay tại các nhà chứa Quan họ là điểm nhấn không thể thiếu, làm nên nét độc đáo riêng có của lễ hội này.
Những hoạt động đặc sắc nào tại lễ hội Lim 2025 sắp diễn ra? (Hình từ Internet)
Những hoạt động đặc sắc tại lễ hội Lim 2025 sắp diễn ra
Lễ hội vùng Lim năm 2025 hứa hẹn mang đến cho du khách một không gian văn hóa đặc sắc với nhiều hoạt động nghệ thuật, trò chơi dân gian cùng những màn biểu diễn truyền thống đậm chất Bắc Ninh.
Sáng ngày 6/2, Ban Tổ chức Lễ hội vùng Lim huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức họp báo để công bố kế hoạch tổ chức lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025. Sự kiện này sẽ diễn ra trong hai ngày 9 - 10/2 (tức 12 và 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại các xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, bao gồm Thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão. Trong đó, khu vực trung tâm là núi Hồng Vân, hay còn gọi là núi Lim.
Ngày 9/2, Đình làng Đình Cả sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu di tích cấp tỉnh và nghi lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân. Trên đồi Lim, sân khấu chính sẽ diễn ra các tiết mục hát quan họ với sự tham gia của 10-15 lán quan họ, tái hiện không gian văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, nhiều trò chơi dân gian quen thuộc như tổ tôm điếm, thư pháp, hội thơ, triển lãm bảo tồn di sản quan họ cũng được tổ chức.
Vào buổi tối cùng ngày, tại sân khấu chính, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh sẽ mang đến những màn trình diễn đặc sắc. Khu vực hồ điều hòa Vân Tương sẽ là nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian như vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân và nhiều gian hàng văn hóa ẩm thực hấp dẫn. Đặc biệt, vào lúc 21h, một màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật tầm thấp sẽ thắp sáng bầu trời, tạo điểm nhấn ấn tượng cho lễ hội.
Bên cạnh các hoạt động chính, tại nhiều địa điểm khác cũng sẽ diễn ra các chương trình đặc sắc như thi đấu cờ người, bóng chuyền hơi, canh hát quan họ tại nhà chứa, hát quan họ dưới thuyền, cửa đình, cửa chùa và tại gia đình các nghệ nhân ở làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông (thị trấn Lim), làng Bái Uyên (xã Liên Bão), làng Đình Cả, Lộ Bao (xã Nội Duệ)…
Ngày 10/2, nghi thức rước sắc giữa Đình Cả và đình làng Lộ Bao (xã Nội Duệ) sẽ được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống. Lễ dâng hương cũng sẽ diễn ra tại đình chùa các làng thuộc thị trấn Lim và xã Liên Bão. Trong phần hội, du khách sẽ có dịp hòa mình vào những màn giao lưu, đối đáp quan họ đặc sắc tại các lán quan họ cũng như tham gia các hoạt động vui chơi giải trí khác.
Quy định về nguyên tắc tổ chức lễ hội như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về nguyên tắc tổ chức lễ hội như sau:
+ Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
+ Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
+ Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
+ Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.
+ Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
+ Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
+ Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.