Thứ 4, Ngày 06/11/2024
10:16 - 05/11/2024

Người phạm tội có thể đầu thú tại cơ quan nào? Có thể tự thú bằng hình thức nào?

Người phạm tội có thể đầu thú tại cơ quan nào? Có thể tự thú bằng hình thức nào?

Nội dung chính

    Người phạm tội có thể đầu thú tại cơ quan nào?

    Căn cứ Điều 152 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về người phạm tội tự thú, đầu thú như sau:

    1. Khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai của người tự thú, đầu thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

    2. Trường hợp xác định tội phạm do người tự thú, đầu thú thực hiện không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì Cơ quan điều tra tiếp nhận người tự thú, đầu thú phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết.

    3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.

    Bên cạnh đó, tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

    1. Cơ quan điều tra phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ, Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng); phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết.

    Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

    Các cơ quan, tổ chức khác khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì phải phân công người tiếp nhận.

    Như vậy, theo quy định hiện hành thì người phạm tội khi tự thú có thể đến những cơ quan tố giác như cơ quan công án, cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

    Trong trường hợp tự thú tại cơ quan không phải cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát.

    Có thể tự thú bằng hình thức nào?

    Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch này cũng quy định về hình thức tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

    Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.

    Theo đó, việc bạn tự thú có thể qua điện thoại, dịch vụ bưu chính, phương tiện thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền.