Nghiêm cấm nhà trường dạy thêm mỗi môn học quá 2 tiết/tuần từ 14/02/2025
Nội dung chính
Nghiêm cấm nhà trường dạy thêm mỗi môn học quá 2 tiết/tuần từ 14/02/2025
Căn cứ khoản 4 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường như sau:
Dạy thêm, học thêm trong nhà trường
1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
2. Nhà trường tổ chức cho học sinh thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
3. Căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.
4. Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:
a) Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 (bốn mươi lăm) học sinh;
b) Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;
c) Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần.
5. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.
Cần biết, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/02/2025.
Dựa vào quy định trên, ta thấy luật đã nêu rõ nhà trường dạy thêm phải đảm bảo những yêu cầu đã quy định. Trong đó, nhà trường không được tổ chức dạy thêm quá 02 (hai) tiết/tuần với mỗi môn học.
Nghiêm cấm nhà trường dạy thêm mỗi môn học quá 2 tiết/tuần từ 14/02/2025 (Hình từ Internet)
Ý nghĩa của việc nghiêm cấm nhà trường dạy thêm quá nhiều tiết trong tuần
Việc nhà nước nghiêm cấm nhà trường dạy thêm quá nhiều tiết trong tuần mang ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng giữa giáo dục, sức khỏe và sự phát triển toàn diện của học sinh. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực học tập mà còn góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và công bằng.
(1) Giảm áp lực học tập cho học sinh
Học thêm quá nhiều có thể khiến học sinh bị quá tải về mặt thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập. Khi giới hạn số tiết dạy thêm, học sinh có cơ hội nghỉ ngơi, thư giãn, và phát triển các kỹ năng khác ngoài sách vở. Điều này cũng giúp các em duy trì sự hứng thú với việc học, tránh tình trạng học tập mang tính ép buộc.
(2) Khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy
Thay vì phụ thuộc vào dạy thêm, nhà trường và giáo viên sẽ được khuyến khích cải tiến phương pháp giảng dạy trong giờ học chính khóa. Điều này đảm bảo học sinh có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức mà không cần tham gia nhiều buổi học thêm.
(3) Hỗ trợ sự phát triển toàn diện của học sinh
Ngoài việc học, học sinh cần thời gian để tham gia các hoạt động thể thao, nghệ thuật, ngoại khóa và rèn luyện kỹ năng mềm. Quy định hạn chế dạy thêm tạo điều kiện để các em có thể phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, và tinh thần.
Nhà trường dạy thêm, tổ chức học thêm phải đảm bảo nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định nguyên tắc dạy thêm, học thêm như sau
- Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
- Nội dung dạy thêm, học thêm không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội. Không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm.
- Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
- Thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh; tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.