Mẫu viết đoạn văn về một câu chuyện em thích lớp 4? Các kiểu văn bản mà học sinh lớp 4 được học là gì?
Nội dung chính
Mẫu viết đoạn văn về một câu chuyện em thích lớp 4?
Mỗi câu chuyện hay đều mang đến cho chúng ta những bài học ý nghĩa và cảm xúc sâu sắc. Dưới đây là mẫu đoạn văn về một câu chuyện em thích, kèm theo những lý do vì sao câu chuyện ấy lại đáng nhớ đến vậy, mà học sinh có thể tham khảo.
Viết đoạn văn về một câu chuyện em thích - Mẫu số 1:
Trong các câu chuyện đã được đọc ở lớp 4, em thích nhất là câu chuyện Một người chính trực. Câu chuyện ấy kể về một vị quan triều lý tên là Tô Hiến Thành, nổi tiếng với sự chính trực. Khi được đút lót rất nhiều vàng bạc, ông không hề tham lam, lập tức từ chối và làm theo lời căn dặn của nhà vua trước khi băng hà. Dù là người ngày ngày hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng mình nhưng không có tài năng nổi bật, Tô Hiến Thành cũng không đề bạt lên chức vị có vai trò quan trọng. Những hành động đó cho thấy sự đường hoàng, đĩnh đạc và cương trực trong hành xử, lối sống của vị quan này. Ông không bị lung lay ý chí bởi tiền bạc hay những hành động xu nịnh của người khác. Mà luôn một mực làm theo điều đúng, lẽ phải. Chính sự trung thực, thẳn thắn ấy của ông đã khiến em yêu thích câu chuyện Một người chính trực đến vậy. |
Viết đoạn văn về một câu chuyện em thích - Mẫu số 2:
Trong các câu chuyện đã đọc, em đặc biệt yêu thích câu chuyện cổ tích Thạch Sanh. Câu chuyện xoay quanh về cuộc đời của chàng Thạch Sanh dũng cảm, tốt bụng. Tuy cuộc sống từ nhỏ có nhiều khó khăn, cô đơn nhưng anh vẫn luôn giữ cho mình một tâm hồn trong sáng và giàu tình yêu thương. Khi thấy người gặp hiểm nguy, Thạch Sanh luôn không ngần ngại ra tay giúp đỡ. Lúc gặp trăn tinh ở miếu, vốn có thể chạy thoát, nhưng sợ dân làng gặp nguy nên anh đã liều mình chiến đấu với nó. Rồi đến lúc gặp công chúa Quỳnh Nga bị đại bàng tinh bắt đi, gặp con trai vua Thủy Tề ở dưới đáy hang sâu, anh liền lập tức cứu trợ. Đặc biệt, dù làm việc thiện cứu người và được đền ơn, nhưng Thạch Sanh luôn từ chối nhận lấy vàng bạc châu báu. Tấm lòng hiệp sĩ ấy của anh khiến em vừa ngưỡng mộ vừa kính phục. Điều mà em trân quý nhất ở Thạch Sanh, là dù qua bao nguy nan, nhiều lần bị lừa gạt nhưng anh ấy vẫn không hề thay đổi, luôn dùng trái tim chân thành để đối xử với mọi người. Chính vì vậy mà ở cuối truyện, anh đã chọn tha thứ cho mẹ con Lý Thông. Nhân vật Thạch Sanh đã được xây dựng như một tượng đài người anh hùng hoàn hảo, không chút tì vết. Bởi vậy mà dù đọc đi đọc lại bao nhiêu lần, em vẫn thấy câu chuyện Thạch Sanh thật hay và ý nghĩa. |
Viết đoạn văn về một câu chuyện em thích - Mẫu số 3:
Ở nhà em có rất nhiều cuốn truyện hay, nhưng em thích nhất cuốn Cô bé quàng khăn đỏ. Truyện kể ở một khu rừng nọ có cô bé quàng khăn đỏ sống cung mẹ trong ngôi nhà nhỏ. Một hôm, bà ngoại cô bị ốm mẹ bảo cô bé mang bánh sang biếu bà. Mẹ dặn cô bé nhớ phải đi đường thẳng, không được đi đường vòng vì có sói rất nguy hiểm. Nhưng vì ham chơi nên Khăn Đỏ quên mất lời mẹ dặn, đi theo đường rừng, cô bé đã gặp sói. Khăn đỏ bị sói lừa đi hái hoa còn mình thì đến nhà bà ngoại cô bé và ăn thịt bà cô bé. Sau khi ăn thịt bà cô bé xong, sói mặc đồ của bà và nằm lên giường chờ sẵn cô bé quàng khăn đỏ đến để ăn thịt. Lúc cô bé đến, sói đã nuốt chửng luôn cả cô bé vào bụng. Sau khi được bữa no nê, sói lăn ra ngủ. May sao, đúng lúc đó có bác thợ săn tốt bụng đi ngang qua thấy sói nằm ngủ trên giường thì đã giết sói, cứu bà cháu cô bé quàng khăn đỏ. Hai bà cháu hạnh phúc, đoàn tụ bên nhau. Em thích nhất câu truyện này vì qua câu chuyện, em học được một bài học ý nghĩa, đó là phải biết nghe lời mẹ dặn, không được đi chơi la cà và phải đi đến nơi về đến chốn. |
Viết đoạn văn về một câu chuyện em thích - Mẫu số 4:
Em rất yêu thích câu chuyện Sự tích dưa hấu và nể phục tài trí của nhân vật Mai An Tiêm. Nội dung chính của Sự tích quả dưa hấu kể về Mai An Tiêm, một chàng trai nhanh nhẹn, tháo vát, lại chăm chỉ nên được vua cha rất mực yêu mến. Tuy nhiên vì còn trẻ nên chàng kiêu căng, tự cho rằng bản thân tài giỏi chứ chẳng cần nhờ ai. Nhà vua vì thế nổi giận đẩy cả gia đình Mai An Tiêm ra đảo hoang. Em vô cùng khâm phục tài trí và sự chăm chỉ, nỗ lực của Mai An Tiêm. Dù ở trong nghịch cảnh nhưng chàng không nản chí. Bằng trí thông minh, nhanh nhẹn, chàng đã trồng ra dưa hấu, một loại quả thơm mát, ngon ngọt. Gia đình chàng sống đầy đủ hơn nhờ vào việc đổi quả lấy lương thực cho các tàu buôn. Vua nghe chuyện bèn đón họ về. Câu chuyện đã truyền cảm hứng sống tích cực cho em và nhiều bạn thiếu nhi. |
Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo.
Mẫu viết đoạn văn về một câu chuyện em thích lớp 4? Các kiểu văn bản mà học sinh lớp 4 được học là gì? (Hình từ Internet)
Các kiểu văn bản mà học sinh lớp 4 được học là gì?
Căn cứ Mục 5 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định về các kiểu văn bản mà học sinh lớp 4 được học như sau:
- Bài văn kể lại một sự việc bản thân đã chứng kiến; bài văn kể lại câu chuyện, có kèm tranh minh hoạ
- Bài văn miêu tả: bài văn miêu tả con vật, cây cối
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một nhân vật
- Đoạn văn nêu ý kiến về một câu chuyện, nhân vật hay một sự việc, nêu lí do vì sao có ý kiến như vậy
- Văn bản hướng dẫn các bước thực hiện một công việc; giấy mời, đơn, thư, báo cáo công việc
05 nhiệm vụ của học sinh lớp 4 được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 34 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định 05 nhiệm vụ của học sinh lớp 4 như sau:
- Học tập, rèn luyện theo kế hoạch giáo dục, nội quy của nhà trường; có ý thức tự giác học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
- Thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ học tập; biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
- Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, người già, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.
- Chấp hành nội quy, bảo vệ tài sản nhà trường và nơi công cộng; chấp hành trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.
- Góp phần vào các hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, địa phương.