Khoảng cách đặt vật cảnh báo khi xe hỏng giữa cao tốc là bao nhiêu?
Nội dung chính
Đường cao tốc được hiểu như thế nào?
Căn cứ tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012 quy định đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Như vậy, đường cao tốc là loại đường dành riêng cho xe cơ giới, có dải phân cách, không giao cắt trực tiếp với các đường khác và được thiết kế để đảm bảo giao thông an toàn, liên tục, giúp rút ngắn thời gian di chuyển.
Khoảng cách đặt vật cảnh báo khi xe hỏng giữa cao tốc là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Khoảng cách đặt vật cảnh báo khi xe hỏng giữa cao tốc là bao nhiêu?
Trước đây theo Điều 34 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BGTVT về báo hiệu đường bộ, thì với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ và cao tốc, khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo nguy hiểm là 150 - 250m.
Tuy nhiên, quy định hiện nay tại Điều 30 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 51/2024/TT-BGTVT về báo hiệu đường bộ thì chỉ quy định biển báo nguy hiểm và cảnh báo được đặt trước nơi định báo một khoảng cách phù hợp với phương tiện tham gia giao thông và thực tế hiện trường đảm bảo dễ quan sát, không ảnh hưởng tới tầm nhìn.
Như vậy, khoảng cách đặt vật cảnh báo khi xe hỏng giữa cao tốc hiện nay không có quy định cụ thể, nhưng phải đặt ở báo một khoảng cách phù hợp với phương tiện tham gia giao thông và thực tế hiện trường đảm bảo dễ quan sát, không ảnh hưởng tới tầm nhìn.
Không tuân thủ khoảng cách đặt vật cảnh báo khi xe hỏng giữa cao tốc bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 7 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP nêu rõ phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h;
- Điều khiển xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ đi vào đường cao tốc;
- Dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp khi gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng xe, đỗ xe ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc; không có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp, không đặt biển cảnh báo “Chú ý xe đỗ” (hoặc đèn cảnh báo) về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 mét khi dừng xe, đỗ xe trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng xe, đỗ xe trên một phần làn đường xe chạy trên đường cao tốc.
Như vậy, việc không tuân thủ các yêu cầu về đặt vật cảnh báo khi xe hỏng giữa cao tốc, bao gồm không sử dụng đèn khẩn cấp và không đặt biển cảnh báo "Chú ý xe đỗ" (hoặc đèn cảnh báo) cách phía sau xe ít nhất 150 mét, sẽ bị xử phạt hành chính từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Điều này nhấn mạnh sự quan trọng của việc tuân thủ quy định an toàn giao thông trên cao tốc, giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Việc không tuân thủ quy định về khoảng cách đặt vật cảnh báo khi xe gặp sự cố trên cao tốc không chỉ gây ra những rủi ro tai nạn giao thông mà còn ảnh hưởng đến an toàn của tất cả các phương tiện tham gia giao thông khác. Khi không có cảnh báo kịp thời, các lái xe có thể không nhận diện được nguy hiểm từ xa và không kịp thời giảm tốc độ, dẫn đến khả năng va chạm hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Do đó, việc chấp hành đúng các quy định này là rất cần thiết, vừa bảo vệ an toàn cho bản thân tài xế, hành khách, vừa đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông khác.