Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu gà thịt từ Lào
Nội dung chính
Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu gà thịt từ Lào
Căn cứ điều 4 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định:
“Điều 4. Nguyên tắc thực hiện các quy định về kiểm dịch động vật, thực vật và thủy sản; kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với động vật, thực vật và hàng hóa có nguồn gốc từ động vật, thực vật khi xuất khẩu, nhập khẩu
1. Hàng hoá có tên trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch; Danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải được kiểm dịch trước khi thông quan theo quy định của pháp luật.
2. Hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi xuất khẩu, nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện các quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Sau khi đã thông quan, trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng đủ điều kiện về kiểm dịch, chất lượng, an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Riêng hàng hóa không đáp ứng đủ điều kiện về bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì buộc phải tái xuất, không được phép thông quan”.
Như vậy, gà thuộc Danh mục động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch ban hành kèm theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đó phải được kiểm dịch trước khi thông quan theo quy định của pháp luật
Căn cứ khoản 1 điều 8 Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/06/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định:
“Điều 8. Kiểm dịch động vật nhập khẩu
1. Trước khi nhập khẩu động vật chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 của Luật thú y tới Cục Thú y (Văn bản đề nghị theo Mẫu 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này).
Hình thức gửi hồ sơ: Qua đường bưu điện hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc trực tiếp.
2. Cục Thú y thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 của Luật thú y. Văn bản đồng ý và hướng dẫn kiểm dịch của Cục Thú y gửi cho chủ hàng và cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu qua thư điện tử.
3. Sau khi được Cục Thú y chấp thuận, chủ hàng khai báo kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu theo quy định tại Khoản 2 Điều 45 của Luật thú y (Mẫu 3 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này)”
Căn cứ điều 45 Luật Thú ý số 79/2015/QH13 ngày 19/06/2015 của Quốc hội quy định:
“Điều 45. Hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu
1. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu bao gồm:
a) Văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu của tổ chức, cá nhân;
b) Đối với động vật, sản phẩm động vật thuộc đối tượng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan khác, phải nộp văn bản hoặc giấy phép theo quy định.
2. Hồ sơ khai báo kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu bao gồm:
a) Đơn khai báo kiểm dịch;
b) Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu”.
Như vậy, Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu là một trong những thành phần hồ sơ khai báo kiểm dịch động vật nhập khẩu, không thể thay thế Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan kiểm dịch tại Việt Nam. Do đó, khi nhập khẩu gà thịt, công ty phải thực hiện kiểm dịch động vật và cung cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hoá.
Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu là chứng từ cần thiết trong hồ sơ kiểm dịch tại cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT.