09:22 - 13/11/2024

Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu, chính sách thuế cho mặt hàng gạo và chế phẩm sinh học khử mùi hôi phòng

Chúng tôi đang dự định nhập khẩu mặt hàng gạo sạch từ Campuchia và chế phẩm sinh học khử mùi hôi phòng xuất xứ từ Singapore.

Nội dung chính

    Xin tư vấn: Thủ tục nhập khẩu và thuế suất nhập khẩu, thuế suất VAT đối với mặt hàng gạo nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam trong trường hợp công ty chúng tôi không có hạn ngạch nhập khẩu gạo. Chúng tôi có đọc hướng dẫn, trường hợp mặt hàng gạo nhập từ Campuchia có C/O form D thì thuế nhập khẩu là 5%, thuế VAT là 5%. Hướng dẫn các điều kiện, yêu cầu, thủ tục nhập khẩu và thuế suất nhập khẩu, thuế suất VAT đối với mặt hàng chế phẩm sinh học khử mùi phòng, không có tính sát khuẩn nhập khẩu từ Singapore về Việt Nam.

    Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu, chính sách thuế cho mặt hàng gạo và chế phẩm sinh học khử mùi hôi phòng

    1. Đối với mặt hàng gạo

    1.1. Về chính sách mặt hàng

    - Mặt hàng “gạo” không thuộc trường hợp cấm nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. Do đó, công ty có thể nhập khẩu như hàng hóa thông thường.

    - Căn cứ Quyết định số 4069/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Công bố danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì mặt hàng lúa gạo (mã HS 1006) thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan.

    - Căn cứ Thông tư số 2515/QĐ-BNN-BVTV ngày 29/06/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành bảng mã số HS của danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của Việt Nam thì mặt hàng lúa gạo thuộc diện kiểm dịch thực vật.

    - Về thủ tục hải quan nhập khẩu thực hiện theo Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

    1.2 Về chính sách thuế

    * Thuế nhập khẩu

    - Căn cứ vào Biểu Thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ thì mặt hàng gạo (mã HS thuộc nhóm 10.06) có thuế suất thuế nhập khẩu là 40%.

    - Căn cứ Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN giai đoạn 2016 – 2018 ban hành kèm theo Nghị định 129/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định:

    + Trường hợp gạo lứt (mã HS thuộc nhóm 1006.20) có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%

    + Trường hợp gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ, đã hoặc chưa được đánh bóng hoặc hồ (glazed)(mã HS thuộc nhóm 1006.30) thì thuế suất thuế nhập khẩu là 0%.

    - Căn cứ Biểu thuế Giá trị gia tăng theo danh mục hàng hoá nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính thì mặt hàng lúa gạo (mã HS thuộc nhóm 10.06) có thuế suất thuế GTGT là *.5%

    - Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính quy định:

    “Điều 4. Hướng dẫn chung về áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo danh mục Biểu thuế giá trị gia tăng

    …3. Thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trồng trọt (các sản phẩm cây trồng, sản phẩm từ cây trồng); sản phẩm chăn nuôi (sản phẩm vật nuôi, sản phẩm từ vật nuôi, bao gồm cả nội tạng và phụ phẩm thu được sau giết mổ khác của động vật); lâm sản, thủy sản, hải sản (có nguồn gốc tự nhiên và nuôi trồng) tại các chương 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 18 của Biểu thuế giá trị gia tăng ban hành kèm theo Thông tư này thực hiện như sau:

    a) Trường hợp là các sản phẩm qua chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, bao gồm các sản phẩm: mới được làm sạch, phơi, sấy khô, tách hạt, tách cọng, cắt, xay (trừ sản phẩm đã xay thuộc Chương 9, 10, 11, 12 của danh mục Biểu thuế giá trị gia tăng ban hành kèm theo Thông tư này), băm, bóc vỏ, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, vỡ mảnh, đánh bóng hạt, hồ hạt, đóng hộp kín khí hoặc được bảo quản thông thường như bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfurơ, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, bảo quản bằng muối (ướp muối, ngâm nước muối), bảo quản ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác hoặc hình thức bảo quản thông thường khác, thực hiện theo mức thuế suất (*, 5) ghi cụ thể tại Biểu thuế giá trị gia tăng ban hành kèm theo Thông tư này, trừ các trường hợp được nêu tại điểm b khoản này.

    b) Thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, thực phẩm tươi sống, ở khâu kinh doanh thương mại áp dụng như sau:

    b.1) Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, thực phẩm tươi sống cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng. Trên hoá đơn giá trị gia tăng, ghi dòng giá bán là giá không có thuế giá trị gia tăng, dòng thuế suất và thuế giá trị gia tăng không ghi, gạch bỏ.

    Ví dụ: Tôm nguyên liệu (được làm sạch, để nguyên con hoặc lặt đầu, bóc vỏ, xẻ lưng, rút tim, cắt bụng, ép duỗi thẳng, xếp vào vỉ, hút chân không, đông lạnh); mực tươi (làm sạch, phân loại, cắt khúc, xếp khuôn, cấp đông); cá file; tôm, cá cấp đông; hạt điều (được phơi khô, sàng, hấp, cắt tách, sấy khô, bóc vỏ lụa, hun trùng); lúa (thóc) xay xát ra gạo, gạo đã qua công đoạn đánh bóng; phế phẩm, phụ phẩm của sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản như tấm, trấu, cám, đầu tôm vỏ tôm, đầu cá, xương cá, nội tạng và phế phẩm thu được sau giết mổ khác của động vật, mỡ tươi đều là sản phẩm chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại.

    b.2) Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

    Ví dụ: Công ty lương thực B là cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ nhập khẩu hoặc thu mua gạo của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì mặt hàng gạo ở khâu nhập khẩu hoặc thu mua của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

    Trường hợp Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty XNK C thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng đối với số gạo bán cho Công ty XNK C.

    Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty TNHH D (là doanh nghiệp sản xuất bún, bánh phở) thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng đối với số gạo bán cho Công ty TNHH D.

    Trên hoá đơn giá trị gia tăng lập, giao cho Công ty XNK C, Công ty TNHH D, Công ty lương thực B ghi rõ giá bán là giá không có thuế giá trị gia tăng, dòng thuế suất và thuế giá trị gia tăng không ghi, gạch bỏ.

    Công ty lương thực B bán trực tiếp gạo cho người tiêu dùng thì kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%.

    c) Trường hợp không là sản phẩm qua sơ chế thông thường nêu tại điểm a khoản này thì xác định là loại đã qua chế biến và thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% thống nhất ở khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.

    4. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác (gọi chung là thức ăn chăn nuôi) thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng.

    Ví dụ: mặt hàng gạo, ngô, khoai sắn, lúa mỳ chưa qua chế biến (kể cả làm thức ăn chăn nuôi) của tổ chức, cá nhân tự sản xuất bán ra, ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (không áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% ở tất cả các khâu như các thức ăn chăn nuôi khác)”.

    Công ty căn cứ vào các quy định trên để xác định thuế suất thuế nhập khẩu và thuế suất thuế GTGT đúng quy định.

    2. Đối với mặt hàng chế phẩm sinh học

    2.1. Về chính sách mặt hàng

    Mặt hàng “chế phẩm sinh học” dùng để khử mùi phòng và không có tính sát khuẩn không thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ nên công ty có thể làm thủ tục nhập khẩu như hàng hoá thông thường.

    Lưu ý công ty: về Giấy chứng nhận lưu hành và công bố chất lượng

    -Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam được quy định chi tiết tại Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu yêu cầu phải có Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

    -Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007:

    2.2. Về chính sách thuế

    * Thuế nhập khẩu:

    - Việc xác định thuế suất thuế nhập khẩu dựa vào mã số HS của mặt hàng công ty dự kiến nhập khẩu. Do công ty không cung cấp hồ sơ chi tiết về mặt hàng nhập khẩu nên chúng tôi không xác định được chính xác mã HS của hàng hoá. Công ty có thể tham khảo các văn bản quy phạm pháp luật sau để làm căn cứ xác định mã HS phù hợp:

    + Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.

    + Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.

    - Căn cứ vào Biểu Thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2016, mặt hàng của công ty có thể phân loại vào phân nhóm 33.07 - Các chế phẩm dùng trước, trong hoặc sau khi cạo, các chất khử mùi cơ thể, các chế phẩm dùng để tắm, chế phẩm làm rụng lông và các chế phẩm nước hoa, mỹ phẩm hoặc vệ sinh khác, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; các chất khử mùi phòng đã được pha chế, có hoặc không có mùi thơm hoặc có đặc tính tẩy uế.

    Công ty tra cứu các mức thuế tại Biểu thuế XNK hiện hành ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ.

    Lưu ý, căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan (nay là Cục Kiểm định các khu vực). Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.

    - Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

    * Thuế giá trị gia tăng:

    Căn cứ vào mã HS của hàng hoá dự kiến nhập khẩu, công ty tra cứu thuế suất thuế GTGT tại Biểu thuế GTGT theo danh mục hàng hoá nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/06/2014 của Bộ Tài chính.

    289
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ