08:38 - 23/09/2024

Hành vi nào bị nghiêm cấm trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm?

Những hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm? Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân?

Nội dung chính

    03 hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm?

    Tại Điều 8 Nghị quyết 96/2023/QH15 có quy định 03 hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm bao gồm:

    - Vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

    - Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc nhằm tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

    - Làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

     

    03 hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm? (Hình từ Internet)

    Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân?

    Tại Điều 13  Nghị quyết 96/2023/QH15 có quy định các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm như sau:

    (1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp:

    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị;

    - Có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

    - Có kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội;

    - Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

    (2) Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong trường hợp:

    - Có kiến nghị của ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;

    - Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

    - Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

    Khi nào phiếu sử dụng trong bỏ phiếu tín nhiệm được xác định là phiếu không hợp lệ?

    Tại Điều 18  Nghị quyết 96/2023/QH15 có quy định phiếu sử dụng trong bỏ phiếu tín nhiệm như sau:

    Phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và việc xác định phiếu hợp lệ

    ...

    2. Những trường hợp sau đây là phiếu không hợp lệ:

    a) Phiếu không theo mẫu quy định do Ban kiểm phiếu phát ra;

    b) Phiếu không xác định mức độ tín nhiệm hoặc lựa chọn nhiều hơn một mức độ tín nhiệm.

    3. Trường hợp phiếu ghi tên nhiều người mà phần thể hiện mức độ tín nhiệm đối với một người không hợp lệ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì chỉ xác định kết quả không hợp lệ đối với người đó, kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

    Trường hợp phiếu có ghi thêm tên của người ngoài danh sách đã có trong phiếu do Ban kiểm phiếu phát ra thì phần ghi thêm đó không có giá trị; kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

    Như vậy, phiếu sử dụng trong bỏ phiếu tín nhiệm được xác định là phiếu không hợp lệ khi:

    - Phiếu không theo mẫu quy định gồm các phiếu riêng đối với từng chức vụ và nhóm chức vụ do Ban kiểm phiếu phát ra.

    Trên từng phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì trên phiếu tín nhiệm ghi đầy đủ các chức vụ đó.

    -Phiếu không xác định mức độ tín nhiệm hoặc lựa chọn nhiều hơn một mức độ tín nhiệm.

    Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu được tiến hành các bước nào?

    Tại Điều 15  Nghị quyết 96/2023/QH15 có quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu được tiến hành theo các bước sau:

    Bước 1: Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

    Bước 2: Đại biểu Hội đồng nhân dân thảo luận tại Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

    Bước 3: Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo trước Hội đồng nhân dân kết quả thảo luận tại Tổ.

    Bước 4: Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến (nếu có) trước Hội đồng nhân dân.

    Bước 5: Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu.

    Bước 6: Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

    Bước 7: Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.

    Bước 8: Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.

    54
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ