08:03 - 23/09/2024

Nghị quyết 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 quy định những gì?

Nghị quyết 96 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm áp dụng từ 01/7/2023? Người được lấy phiếu tín nhiệm bao nhiêu số phiếu tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức?

Nội dung chính

    Nghị quyết 96 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm áp dụng từ 01/7/2023?

    Ngày 30/6/2023, Tổng Thư ký Quốc hội công bố Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

    Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ bao gồm

    - Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

    - Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

    - Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

    - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

    Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ, bao gồm:

    - Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

    Quy định về bỏ phiếu tín nhiệm

    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp sau đây:

    + Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị;

    + Có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

    + Có kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội;

    + Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

    - Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong trường hợp sau đây:

    + Có kiến nghị của ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;

    + Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

    + Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

    Lưu ý: Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định trên đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

     

    Nghị quyết 96 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm áp dụng từ 01/7/2023? (Hình từ Internet)

    Người được lấy phiếu tín nhiệm bao nhiêu số phiếu tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức?

    Tại Điều 12 Nghị quyết 96/2023/QH15 có quy định hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm như sau:

    Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm

    1. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

    2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

    3. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

    Như vậy, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu tín nhiệm thấp thì được quyền xin từ chức.

    Nếu không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất;

    Nếu một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

    Thời hạn và địa điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được diễn ra khi nào?

    Tại Điều 9 Nghị quyết 96/2023/QH15 có quy định thời hạn và địa điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm như sau:

    Thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

    Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

    Như vậy, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được diễn ra một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

    47
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ