20:59 - 06/01/2025

Giảm phí công đoàn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn từ 1/7/2025

Giảm phí công đoàn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn từ 1/7/2025? Doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bao nhiêu? 12 quyền của đoàn viên công đoàn Việt Nam từ 01/07/2025?

Nội dung chính

    Giảm phí công đoàn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn từ 1/7/2025?

    Căn cứ Điều 30 Luật Công đoàn 2024 quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn như sau:

    Miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn
    1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.
    2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
    3. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.
    Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù kinh phí công đoàn cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.
    4. Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; quy định chi tiết các nội dung khác của Điều này.

    Theo quy định mới, từ ngày 1/7/2025, khi Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực, các doanh nghiệp gặp khó khăn do tình hình kinh tế hoặc các yếu tố bất khả kháng sẽ được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.

    Quyết định giảm phí công đoàn được sự thống nhất giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc điều chỉnh mức đóng kinh phí công đoàn.

    Lưu ý:  Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 

    Giảm phí công đoàn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn từ 1/7/2025

    Giảm phí công đoàn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn từ 1/7/2025 (Hình từ Internet)

    Doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bao nhiêu?

    Căn cứ Điều 29 Luật Công đoàn 2024 quy định  về tài chính công đoàn như sau:

    Tài chính công đoàn
    1. Nguồn tài chính công đoàn bao gồm:
    a) Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
    b) Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động;
    c) Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
    d) Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
    2. Chính phủ quy định phương thức, thời hạn và nguồn đóng kinh phí công đoàn; trường hợp không đóng hoặc chậm đóng kinh phí công đoàn; nội dung ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

    Theo quy định, mức đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp được xác định bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

    12 quyền của đoàn viên công đoàn Việt Nam từ 01/07/2025?

    Căn cứ theo Điều 21 Luật Công đoàn 2024 quy định về từ 01/07/2025, 12 quyền của đoàn viên công đoàn Việt Nam cụ thể như sau:

    (1) Yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.

    (2) Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn.

    (3) Được tuyên truyền, phổ biến về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn, người lao động và quy định của Công đoàn.

    (4) Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của Công đoàn theo quy định của Luật này và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

    (5) Chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp, kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

    (6) Được Công đoàn hỗ trợ pháp lý miễn phí pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, cán bộ, công chức, viên chức.

    (7) Được Công đoàn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ tìm việc làm, học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; được thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, thai sản, khó khăn, hoạn nạn và thụ hưởng các hoạt động chăm lo, phúc lợi khác do Công đoàn thực hiện.

    (8) Được tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan, du lịch do Công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.

    (9) Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

    (10) Được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

    (11) Được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn.

    (12) Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

    Lưu ý: Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025

    23