09:27 - 11/11/2024

Đối tượng và nội dung biện pháp trồng mới rừng sản xuất

Xin chào, tôi đang tìm hiểu các quy định về biện pháp lâm sinh trong phát triển và bảo vệ rừng. Anh chị cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì đối tượng và nội dung trồng mới rừng sản xuất được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Đối tượng và nội dung biện pháp trồng mới rừng sản xuất

    Tại Điều 11 Thông tư 29/2018/TT-BNNPTNT, quy định trồng mới rừng sản xuất như sau:

    1. Đối tượng:

    - Diện tích đất chưa có rừng là đất trống hoặc đất có thực bì là cỏ tranh, lau lách;

    - Diện tích đất chưa có rừng, thực bì là cây bụi, cây gỗ rải rác và cây gỗ tái sinh mục đích có chiều cao trên 0,5 m với số lượng dưới 500 cây/ha, không có khả năng phục hồi thành rừng có giá trị kinh tế;

    - Diện tích tre nứa có tỷ lệ che phủ dưới 20%, không có khả năng phục hồi thành rừng có giá trị kinh tế; diện tích giang, lịm, le ở tất cả các mật độ và tỷ lệ che phủ.

    2. Nội dung biện pháp:

    - Chọn loài cây trồng: chọn loài cây trồng chính phù hợp với mục đích sản xuất, kinh doanh và điều kiện lập địa nơi trồng; có thể chọn cây phù trợ (cây lương thực, thực phẩm, cây lâm sản ngoài gỗ, cây công nghiệp, cây ăn quả) để trồng xen nhằm cải tạo đất, hỗ trợ cây trồng chính sinh trưởng phát triển tốt;

    - Xử lý thực bì: phát dọn thực bì toàn diện, theo băng hoặc theo đám phù hợp với điều kiện lập địa và đặc tính sinh thái của loài cây trồng. Thực bì xử lý xong được gom theo băng, hạn chế đốt thực bì. Trường hợp đốt thực bì phải đốt theo băng, theo đám và đốt có kiểm soát;

    - Làm đất: làm đất toàn diện bằng cơ giới hay thủ công, làm đất cục bộ theo băng hoặc theo đám, có biện pháp hạn chế xói mòn đất đối với đốc dốc trên 25° như làm bậc thang theo đường đồng mức; có thể đào mương, lên líp, san ủi tạo mặt bằng để trồng rừng ở những nơi có điều kiện lập địa đặc biệt;

    - Tiêu chuẩn cây giống đem trồng đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng cây giống theo quy định;

    - Mật độ trồng: tùy theo loài cây, điều kiện lập địa, phương thức trồng và mục đích kinh doanh để chọn mật độ trồng phù hợp;

    - Phương thức trồng: tùy theo điều kiện lập địa và mục đích kinh doanh để chọn phương thức trồng thuần loài hay trồng hỗn giao nhiều loài cây hoặc trồng xen giữa cây lâm nghiệp với cây lương thực, thực phẩm, cây lâm sản ngoài gỗ;

    - Đối với rừng dễ cháy, cần xây dựng các đường băng, đường ranh cản lửa và thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng theo quy định của pháp luật;

    - Các biện pháp kỹ thuật cụ thể khác thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng đối với từng loài.

    Trên đây là quy định về đối tượng và nội dung biện pháp trồng mới rừng sản xuất.

    Trân trọng!

    7