Thông tư 29/2018/TT-BNNPTNT quy định về biện pháp lâm sinh do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 29/2018/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 16/11/2018
Ngày có hiệu lực 01/01/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hà Công Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2018/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CÁC BIỆN PHÁP LÂM SINH

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về các biện pháp lâm sinh.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các biện pháp lâm sinh, bao gồm:

1. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung;

2. Nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng;

3. Cải tạo rừng tự nhiên;

4. Trồng rừng mới, trồng lại rừng; chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến các biện pháp lâm sinh quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên là biện pháp lâm sinh phát huy tối đa khả năng tái sinh, diễn thế tự nhiên để phục hồi rừng bằng các biện pháp bảo vệ, chống chặt phá, phòng cháy và chữa cháy rừng, phát dọn dây leo, cây bụi để thúc đẩy thành rừng trong thời hạn xác định.

2. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là biện pháp lâm sinh phát huy tối đa khả năng tái sinh, diễn thế tự nhiên để phục hồi rừng bằng các biện pháp bảo vệ, chống chặt phá, phòng cháy và chữa cháy rừng và phát dọn dây leo cây bụi, kết hợp với trồng bổ sung một lượng cây nhất định ở nơi thiếu cây tái sinh mục đích để thúc đẩy thành rừng trong thời hạn xác định.

3. Nuôi dưỡng rừng là biện pháp lâm sinh điều chỉnh mật độ, tổ thành loài bằng các biện pháp loại bỏ những cây phi mục đích, phẩm chất xấu, cây dây leo cạnh tranh dinh dưỡng với cây mục đích; giữ lại cây mục đích có phẩm chất tốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng.

4. Làm giàu rừng là biện pháp lâm sinh kết hợp giữa nuôi dưỡng rừng với trồng bổ sung những cây mục đích với số lượng nhất định, đồng thời giữ lại cây mục đích sẵn có trong rừng.

5. Cải tạo rừng tự nhiên là biện pháp lâm sinh thay thế rừng tự nhiên nghèo kiệt có năng suất, chất lượng thấp bằng rừng trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn.

6. Trồng mới rừng là biện pháp lâm sinh tạo rừng lần đầu trên diện tích đất chưa có rừng.

7. Trồng lại rừng là biện pháp lâm sinh tạo rừng trên diện tích đất rừng trồng sau khai thác hay bị thiệt hại do thiên tai hoặc do các nguyên nhân khác.

8. Chăm sóc rừng trồng là biện pháp lâm sinh thúc đẩy cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt hơn bằng các biện pháp phát cỏ, xới đất, bón phân và các hoạt động khác.

9. Rừng trồng gỗ lớn là rừng có tối thiểu 70% số cây đứng trên một đơn vị diện tích có đường kính tại vị trí 1,3 m từ 20 cm trở lên đối với cây sinh trưởng nhanh hoặc từ 30 cm trở lên đối với cây sinh trưởng chậm ở tuổi khai thác chính.

10. Rừng trồng gỗ nhỏ là rừng có dưới 70% số cây đứng có đường kính tại vị trí 1,3 m từ 20 cm trở lên đối với cây sinh trưởng nhanh hoặc từ 30 cm trở lên đối với cây sinh trưởng chậm ở tuổi khai thác chính.

11. Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi dưỡng rừng để thay đổi mục đích kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn.

[...]