Xe ô tô 07 chỗ có cần trang bị bình chữa cháy không?
Nội dung chính
Xe ô tô 07 chỗ có cần trang bị bình chữa cháy không?
Theo Điều 4 Thông tư 57/2015/TT-BCA (được sửa đổi bởi khoản 1, khoản 2 Điều 1 Thông tư 148/2020/TT-BCA) thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy bao gồm:
- Ô tô trên 09 chỗ ngồi, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 và TCVN 6211:2003 Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu - Thuật ngữ và định nghĩa, TCVN 7271:2003 Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng.
- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc các loại 1, 2, 3, 4 và 9 quy định tại Nghị định 42/2020/NĐ-CP không phụ thuộc vào số chỗ ngồi.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì xe ô tô 04 chỗ đến 09 chỗ thì không còn phải trang bị bình chữa cháy. Do đó, trường hợp xe ô tô 07 chỗ sẽ không cần phải có bình chữa cháy.
Xe ô tô 07 chỗ có cần trang bị bình chữa cháy không? (Hình từ Internet)
Xe ô tô không trang bị bình chữa cháy bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo), xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tư xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo), xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tư xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dây đai an toàn, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó), trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 3 Điều 20, điểm d khoản 4 Điều 26 của Nghị định này;
...
Như vây, người điều khiển xe ô tô không có đủ thiết bị chữa cháy thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ theo điểm a khoản 11 Điều 13 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định người điều khiển xe ô tô ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt, còn phải khắc phụ hậu quả như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo), xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tư xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
...
11. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; điểm b, điểm c khoản 3; điểm b khoản 4; điểm b, điểm d khoản 5; điểm b khoản 8 Điều này buộc lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định; buộc thực hiện đúng quy định về biển số hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
...
Như vậy, ngoài việc bị xử phạt hành chính, người điều khiển xe ô tô vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật. Cụ thể, buộc lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định.
Nguyên tắc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 57/2015/TT-BCA nguyên tắc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như sau:
Thứ nhất, là phải tuân thủ quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ, quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, là phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm hoạt động của phương tiện và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
Thứ ba, là đảm bảo tiết kiệm, hợp lý, đúng định mức, đúng mục đích.
Khi tham gia giao thông đường bộ, chủ phương tiện cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, đảm bảo đầy đủ thiết bị cần thiết nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời các tình huống cháy nổ, góp phần bảo vệ an toàn cho người, tài sản và môi trường giao thông.