23:45 - 28/11/2024

Có phải tất cả tài sản tặng cho trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng?

Ai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ/chồng bị bệnh tâm thần? Có phải tất cả tài sản tặng cho trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng?

Nội dung chính

    Ai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần?

    Căn cứ theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

    - Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

    - Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

    Lưu ý: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    Có phải tất cả tài sản tặng cho trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng?

    Có phải tất cả tài sản tặng cho trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng? (Hình từ internet)

    Có phải tất cả tài sản tặng cho trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng?

    Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

    - Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

    Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

    - Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

    - Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

    Ngoài ra Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định là tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

    - Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

    - Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

    Theo các quy định này, việc vợ chồng được tặng cho tài sản trong thời kỳ hôn nhân có 2 trường hợp như sau:

    - Tài sản tặng cho trong thời kì hôn nhân là tài sản chung vợ chồng nếu tài sản đó được tặng cho chung.

    - Tài sản tặng cho trong thời kì hôn nhân là tài sản riêng nếu tài sản đó được tặng cho riêng một bên vơ hoặc chồng.

    Như vậy, không phải tất cả những tài sản tặng cho trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng.

    Người bị bệnh tâm thần có được hưởng thừa kế hay không?

    Căn cứ Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:

    Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

    Theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người không được quyền hưởng di sản như sau:

     Người không được quyền hưởng di sản
    1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
    a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
    b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
    c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
    d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
    2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

    Như vậy, pháp luật không hạn chế quyền hưởng thừa kế của người bị bệnh tâm thần. Do đó, người bị bệnh tâm thần vẫn được hưởng thừa kế.

    93
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ