Có được dùng tiền trong sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm không? Có được rút tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử hay không?
Nội dung chính
Nội dung trong sổ tiết kiệm bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về thẻ tiết kiệm như sau:
Thẻ tiết kiệm
1. Thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm (sau đây gọi chung là Thẻ tiết kiệm) là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng.
2. Nội dung Thẻ tiết kiệm
a) Thẻ tiết kiệm phải có tối thiểu các nội dung sau:
(i) Tên tổ chức tín dụng, con dấu; Họ tên, chữ ký của giao dịch viên và của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng;
(ii) Họ tên, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền hoặc của tất cả người gửi tiền (đối với tiền gửi tiết kiệm chung) và thông tin của người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền trong trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật;
(iii) Số Thẻ tiết kiệm; số tiền; đồng tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn (đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn); thời hạn gửi tiền; lãi suất; phương thức trả lãi;
(iv) Biện pháp để người gửi tiền, tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm;
(v) Xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất Thẻ tiết kiệm;
b) Ngoài các nội dung quy định tại điểm a khoản này, Thẻ tiết kiệm có thể có các nội dung khác theo quy định của tổ chức tín dụng.
Như vậy, sổ tiết kiệm (theo quy định pháp luật thì được gọi là Thẻ tiết kiệm) phải có các nội dung cơ bản sau đây:
- Tên tổ chức tín dụng, con dấu; Họ tên, chữ ký của giao dịch viên và của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng.
- Họ tên, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền hoặc của tất cả người gửi tiền (đối với tiền gửi tiết kiệm chung) và thông tin của người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền trong trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật.
- Số Thẻ tiết kiệm; số tiền; đồng tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn (đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn); thời hạn gửi tiền; lãi suất; phương thức trả lãi.
- Biện pháp để người gửi tiền, tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm.
- Xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất Thẻ tiết kiệm.
Ngoài các nội dung quy định nêu trên, sổ tiết kiệm có thể có các nội dung khác tùy theo quy định của tổ chức tín dụng.
Có được dùng tiền trong sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm không? Có được rút tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử hay không? (Hình từ Internet)
Có được dùng tiền trong sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm không?
Căn cứ Điều 13 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định:
Sử dụng tiền gửi tiết kiệm làm tài sản bảo đảm
Tiền gửi tiết kiệm được sử dụng để làm tài sản bảo đảm theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Như vậy, theo quy định trên thì tiền gửi trong sổ tiết kiệm được phép sử dụng làm tài sản bảo đảm.
Có được rút tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử hay không?
Tại Điều 19 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định việc thực hiện nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử như sau:
Thực hiện nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử
1. Tổ chức tín dụng hướng dẫn thủ tục nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử thông qua tài khoản thanh toán của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, về phòng, chống rửa tiền và các quy định của pháp luật có liên quan đảm bảo việc nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng phải đảm bảo lưu giữ đầy đủ các thông tin liên quan đến việc nhận, chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử để đáp ứng yêu cầu của người gửi tiền trong việc tra soát, kiểm tra và giải quyết tranh chấp.
Như vậy, người gửi tiền có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm qua phương tiện điện tử. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm qua tài khoản thanh toán của người gửi tiền, theo đúng quy định tại Thông tư này.
Thủ tục này phải tuân thủ các quy định về giao dịch điện tử, phòng, chống rửa tiền và các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo việc nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác và an toàn cho người gửi tiền.
Đồng thời, việc thực hiện phải bảo đảm an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng, tránh rủi ro và bảo vệ lợi ích của các bên.