15:55 - 09/11/2024

Có được cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho kế toán trưởng của tổ chức tín dụng không?

Có được cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho kế toán trưởng của tổ chức tín dụng không? Vi phạm quy định về cấp tín dụng thì bị xử phạt như thế nào? Nếu tôi là kế toán trưởng của Ngân hàng thì có được cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi của tổ chức tín dụng không? Và nếu không được thì chế tài xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

    Có được cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho kế toán trưởng của tổ chức tín dụng không?

    1. Có được cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho kế toán trưởng của tổ chức tín dụng không? 

    Tại Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng 2010 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 20 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 quy định về hạn chế cấp tín dụng, như sau:

    1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau đây:

    a) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

    b) Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương của quỹ tín dụng nhân dân;

    c) Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập;

    d) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;

    đ) Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng;

    e) Các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

    2. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    3. Việc cấp tín dụng đối với những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng thông qua và công khai trong tổ chức tín dụng.

    4. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tín dụng; đối với tất cả các đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này không được vượt quá 20% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

    Theo đó, do bạn là kế toán trưởng của ngân hàng nên bạn sẽ không thuộc trường hợp được cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi.

    2. Vi phạm quy định về cấp tín dụng thì bị xử phạt như thế nào? 

    Căn cứ Điều 14 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về cấp tín dụng, theo đó:

    1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    a) Lưu giữ hồ sơ cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật;

    b) Phát hành cam kết bảo lãnh không theo hình thức mẫu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thiết kế;

    c) Không niêm yết công khai thông tin, không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

    2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật.

    3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    a) Lập hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật;

    b) Miễn, giảm lãi suất cấp tín dụng khi chưa ban hành quy định nội bộ; miễn, giảm lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định nội bộ;

    c) Chuyển nợ quá hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ không đúng quy định của pháp luật;

    d) Áp dụng lãi suất cấp tín dụng không đúng quy định của pháp luật;

    đ) Thu lãi nợ quá hạn không đúng quy định của pháp luật;

    e) Thu nợ khoản vay bị quá hạn trả nợ không đúng quy định của pháp luật.

    4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    a) Thu không đúng quy định của pháp luật các loại phí liên quan đến hoạt động cấp tín dụng;

    b) Sử dụng phương thức giải ngân không đúng quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 4 Điều 23 Nghị định này.

    5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    a) Cấp tín dụng không có hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản;

    b) Cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

    c) Cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng;

    d) Vi phạm quy định về cấp tín dụng tại khoản 3 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng;

    đ) Cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn không được cho vay theo quy định của pháp luật;

    e) Ký thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

    g) Bao thanh toán đối với một hoặc một số trường hợp không được bao thanh toán theo quy định của pháp luật.

    6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    a) Vi phạm giới hạn cấp tín dụng quy định tại các khoản 2, 4 Điều 127, các khoản 1, 2 và 8 Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng;

    b) Cấp tín dụng dưới hình thức khác khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận;

    c) Vi phạm quy định về mức cho vay tối đa của tổ chức tín dụng khi cho vay để đầu tư ra nước ngoài.

    7. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    8. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng.

    9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    a) Buộc thu hồi phần số dư cấp tín dụng vượt mức hạn chế, giới hạn trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6, khoản 7 Điều này;

    b) Buộc thu hồi nợ trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, đ khoản 5, điểm b khoản 6, khoản 8 Điều này;

    c) Buộc cổ đông lớn, cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần, vốn góp theo quy định của pháp luật trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 5, điểm a khoản 6 Điều này;

    d) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm a khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này.

    Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền, của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả, như sau:

    3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:

    a) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng;

    b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;

    c) Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bằng 10% mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này; mức phạt tiền đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, đơn vị phụ thuộc của các tổ chức này bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;

    d) Thẩm quyền phạt tiền của từng chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân.

    Như vậy, khi có vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng thì cá nhân có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng. Với tổ chức thì mức phạt này sẽ là 80.000.000 đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm.

    Trân trọng!

    6