14:35 - 11/11/2024

Có bắt buộc đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phải tham gia tất cả phiên toà dân sự hay không?

Có bắt buộc đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cập phải tham gia tất cả phiên toà dân sự hay không? Chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào? Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Có bắt buộc đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phải tham gia tất cả phiên toà dân sự hay không?

    Em đi thực tế ở các phiên Tòa Dân sự thì hầu như em đều thấy sự có mặt của phía Viện kiểm sát, vậy cho em hỏi: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có bắt buộc phải tham gia tất cả phiên tòa dân sự không?

    Trả lời:

    Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:

    1. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.

    2. Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này.

    3. Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

    4. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.

    Như vậy, từ những phân tích trên thì đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp không bắt buộc phải tham gia tất cả phiên tòa dân sự.

    Trên đây là nội dung tư vấn. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

    Chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào?

    Chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào? Hiện tại tôi đang làm đại diện trong một vụ kiện về đất đai (Cho cháu gái của tôi). Tôi muốn hỏi khi nào thì chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự và hậu quả của việc chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Xin cám ơn!

    Trả lời:

    Nội dung mà bạn hỏi liên quan tới chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015. 

    Theo đó, người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự.

    Hậu quả của việc chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự được quy định như sau:

    1. Trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật mà người được đại diện đã thành niên hoặc đã khôi phục năng lực hành vi dân sự thì người đó tự mình tham gia tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự theo thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định.

    2. Trường hợp chấm dứt đại diện theo ủy quyền thì đương sự hoặc người thừa kế của đương sự trực tiếp tham gia tố tụng hoặc ủy quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng theo thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định.

    (Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

    Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

    Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quy định như sau:

    1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

    Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

    2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

    a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

    b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

    c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

    d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

    đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

    Trên đây là nội dung tư vấn về Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

    Trân trọng!

    266
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ