Chủ tòa nhà chung cư cần đảm bảo công tác phòng cháy và chữa cháy cho tòa nhà như thế nào?
Nội dung chính
Thế nào là nhà chung cư?
Nhà chung cư được xác định tại khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cá nhân. Nhà ở được sử dụng vào mục đích để ở và mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm là nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp.
2. Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.
3. Nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.
4. Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê mua, cho thuê theo cơ chế thị trường.
...
Theo cách xác định trên, có thể hiểu nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Chủ tòa nhà chung cư cần đảm bảo công tác phòng cháy và chữa cháy cho tòa nhà như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, thì "cháy" được hiểu là tình huống khi ngọn lửa không còn được kiểm soát, có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và tác động xấu đến môi trường.
Theo đó, công tác chữa cháy bao gồm các hoạt động huy động lực lượng và phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức cứu nạn, cứu người, bảo vệ tài sản, ngăn ngừa cháy lan và dập tắt đám cháy, cùng với các biện pháp khác để khắc phục sự cố.
Để đảm bảo công tác phòng cháy và chữa cháy thì theo Điều 23 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013) công trình cao tầng như nhà chung cứ phải:
- Có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra;
- Bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra;
- Trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy;
- Sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy;
- Không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy.
Ngoài ra, chủ tòa nhà cũng cư cần phải đảm được các quy chuẩn về an toàn cháy cho tòa nhà theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD ban hành kèm theo Thông tư 06/2022/TT-BXD như lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, và các thiết bị cứu nạn,.... Điều này giúp giảm thiểu rủi ro cháy nổ và tăng khả năng ứng phó khi có sự cố.
Quy định pháp luật cùng các biện pháp phòng cháy và chữa cháy chung cư (Hình từ Internet)
Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy hiện nay được quy định như thế nào?
Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001, nguyên tắc cơ bản trong công tác phòng cháy và chữa cháy như sau:
- Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
- Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.
- Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.
- Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.
Theo nguyên tắc trên thì chủ động và tích cực phòng ngừa cháy nổ không chỉ là biện pháp ưu tiên, mà còn là chiến lược then chốt để giảm thiểu tối đa các sự cố cháy và những thiệt hại nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra.
Điều này đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức phải luôn nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn, thực hiện các biện pháp an toàn cháy theo đúng nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy một cách nghiêm ngặt và liên tục, từ đó góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng và môi trường sống của cộng đồng.
Ngoài các quy định về thiết kế và trang bị, pháp luật cũng yêu cầu các tòa nhà chung cư phải có các phương án ứng phó kịp thời khi có cháy, đồng thời ban quản trị phải tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức cho cư dân về công tác phòng cháy và chữa cháy.
Việc tuân thủ các quy định về PCCC không chỉ giúp bảo vệ tài sản và tính mạng của cư dân, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống và tạo dựng môi trường sống an toàn, văn minh trong các khu chung cư.
Các chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy đúng quy định và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống an toàn, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro cháy nổ trong cộng đồng.