11:41 - 12/11/2024

Các trường hợp thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản

Hiện tôi đang có thắc mắc liên quan đến các trường hợp cụ thể để thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản cần được anh chị giải đáp. Xin cho hỏi, theo quy định pháp luật hiện hành thì Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp nào?

Nội dung chính

    Các trường hợp thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản

    Pháp luật hiện hành quy định thì tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

    - Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; đối với khoáng sản độc hại còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản;

    - Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

    - Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

    Hộ kinh doanh được phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản khi có đủ điều kiện do Chính phủ quy định.

    Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể thì Giấy phép khai thác khoáng sản sẽ bị thu hồi hoặc chấm dứt hiệu lực theo quy định pháp luật.

    Theo đó, Theo quy định tại Điều 58 Luật Khoáng sản 2010 thì:

    1. Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

    - Sau 12 tháng, kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa xây dựng cơ bản mỏ, trừ trường hợp bất khả kháng;

    - Sau 12 tháng, kể từ ngày dự kiến bắt đầu khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa tiến hành khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng;

    - Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vi phạm một trong các nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 55 của Luật Khoáng sản 2010 mà không khắc phục trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản có thông báo bằng văn bản;

    - Khu vực được phép khai thác khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

    2. Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

    - Giấy phép bị thu hồi;

    - Giấy phép hết hạn;

    - Giấy phép được trả lại;

    - Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể hoặc phá sản.

    Khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước, không được tháo dỡ, phá huỷ. Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên có liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; sau thời hạn này, tài sản còn lại thuộc sở hữu nhà nước.

    Trong thời hạn trên tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

    Trân trọng!

    16