Bộ đề thi viết chữ đẹp cấp Tiểu học mới nhất? 4 phương pháp đánh giá học sinh tiểu học là gì?
Nội dung chính
Bộ đề thi viết chữ đẹp cấp Tiểu học mới nhất?
Bộ đề thi viết chữ đẹp cấp Tiểu học là tập hợp các bài tập viết chữ được thiết kế dành riêng cho học sinh tiểu học. Mục đích của bộ đề này là:
Đánh giá năng lực viết chữ: Giúp giáo viên và phụ huynh đánh giá khả năng viết chữ của học sinh, từ đó có những phương pháp hỗ trợ phù hợp.
Rèn luyện kỹ năng viết chữ: Thông qua việc làm các bài tập trong đề, học sinh được rèn luyện các kỹ năng như cầm bút, tư thế ngồi, cách viết các nét chữ, khoảng cách giữa các chữ, các dòng...
Nâng cao thẩm mỹ chữ viết: Giúp học sinh có những nét chữ đẹp, rõ ràng, sáng tạo, góp phần hình thành thói quen viết chữ đẹp.
*Mời các bạn học sinh cấp Tiểu học tham khảo mẫu bộ đề thi viết chữ đẹp cấp Tiểu học mới nhất dưới đây:
Bộ đề thi viết chữ đẹp cấp Tiểu học mới nhất? * Đề số 1: Viết đoạn văn sau theo mẫu chữ viết đứng, nét đều qui định ở lớp (cỡ chữ nhỏ): Đồng lúa chín Ánh nắng ban mai trải xuống cánh đồng vàng óng, xua tan dần hơi lạnh mùa đông. Lúa nặng trĩu bông, ngả đầu vào nhau, thoang thoảng hương thơm. Từng cơn gió nhẹ làm cả biển vàng rung rinh như gợn sóng. Đàn chim gáy ở đâu bay về gù vang cả cánh đồng. * Đề số 2: Em hãy trình bày bài thơ sau đây theo kiểu chữ tùy chọn (cỡ chữ nhỏ): Việt Nam có Bác Bác là non nước trời mây, Việt Nam có Bác mỗi ngày đẹp hơn. Còn cao hơn đỉnh Trường Sơn, Nghìn năm chung đúc tâm hồn ông cha. Điệu lục bát, khúc dân ca, Việt Nam là Bác, Bác là việt nam. Theo Lê Anh Xuân * Đề số 3: Phần 1: Viết đoạn văn sau theo mẫu chữ viết đứng, nét đều qui định ở lớp (cỡ chữ nhỏ): BẦM TÔI Quê tôi nghèo, người dân quanh năm vất vả nơi đồng chiêm nước trũng. Nhưng khổ nhất bao giờ cũng là mẹ. Có lẽ vì thế mà sinh ra cái lễ gọi là bầm. Tiếng bầm nghe như trĩu nặng tình thương, nghe qua đã thấy những cơ cực lam lũ của cả đời người. Tuổi thơ tôi trôi qua trong sự chắt chiu nuôi nấng của bầm. Phần 2: Em hãy trình bày bài thơ sau đây theo kiểu chữ tùy chọn (cỡ chữ nhỏ): Sáng mồng hai tháng chín Hôm nay, sáng mồng hai tháng chín Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình Muôn triệu tim chờ chim cũng nín Bỗng vang lên tiếng hát ân tình Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh! Người đứng trên đài, lặng phút giây Trông đàn con đó, vẫy hai tay Cao cao vầng trán ngời đôi mắt Độc lập bây giờ mới thấy đây! Tố Hữu * Đề số 4 Phần 1: Viết đoạn văn sau theo mẫu chữ viết đứng, nét đều qui định ở lớp (cỡ chữ nhỏ): ĐƯỜNG ĐI SA PA Hôm sau chúng tôi đi Sa Pa. Phong cảnh ở đây thật đẹp.Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý. Sa Pa quả là món quà tặng kỳ diệu mà thiên nhiên dành cho đất nước ta. (Theo NGUYỄN PHAN HÁCH) Phần 2: Em hãy trình bày bài thơ sau đây theo kiểu chữ tùy chọn (cỡ chữ nhỏ): Về thăm nhà Bác Về thăm nhà Bác, Làng Sen Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng Có con bướm trắng lượn vòng Có hàng ổi chín vàng ong sắc trời Ngôi nhà thuở bác thiếu thời Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa Chiếc giường tre quá đơn sơ Võng gai ru mát những trưa nắng hè Làng Sen như mọi làng quê Ngôi nhà lẫn với hàng tre bóng tròn Theo Nguyễn Đức Mậu * Đề số 5 Phần 1: Viết đoạn văn sau theo mẫu chữ viết đứng, nét đều qui định ở lớp (cỡ chữ nhỏ): TIẾNG HÓT CHIM HỌA MI Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót. Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi. Cho nên, những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây. Theo Ngọc Dao. Phần 2: Em hãy trình bày bài thơ sau đây theo kiểu chữ tùy chọn (cỡ chữ nhỏ): Bầm ơi (Trích) Ai về thăm mẹ quê ta Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm… Bầm ơi có rét không bầm? Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn Bầm ra ruộng cấy bầm run Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non Mạ non bầm cấy mấy đon Ruột gan bầm lại thương con mấy lần. Mưa phùn ướt áo tứ thân Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu! Bầm ơi, sớm sớm, chiều chiều Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe! Con đi trăm núi ngàn khe Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm Con đi đánh giặc mười năm Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi. Con ra tiền tuyến xa xôi Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền. Tố Hữu |
*Lưu ý: Thông tin về bộ đề thi viết chữ đẹp cấp Tiểu học mới nhất chỉ mang tính chất tham khảo./.
Bộ đề thi viết chữ đẹp cấp Tiểu học mới nhất? 4 phương pháp đánh giá học sinh tiểu học là gì? (Hình từ Internet)
4 phương pháp đánh giá học sinh tiểu học là gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Quy định về đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT có quy định một số phương pháp đánh giá thường được sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh tiểu học gồm
- Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.
- Phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh: Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan.
- Phương pháp vấn đáp: Giáo viên trao đổi với học sinh thông qua việc hỏi đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.
- Phương pháp kiểm tra viết: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của chương trình, dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.
Đánh giá học sinh tiểu học với mục đích như thế nào?
Căn cứ tại Điều 3 Quy định về đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT thì mục đích đánh giá học sinh tiểu học là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, xác định được thành tích học tập, rèn luyện theo mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, cụ thể như sau:
- Giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục trong quá trình dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh nhằm động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.
- Giúp học sinh có khả năng tự nhận xét, tham gia nhận xét; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ.
- Giúp cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, quá trình hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh.
- Giúp cán bộ quản lý giáo dục các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục.
- Giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin chính xác, khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục.