Bảo đảm an ninh hàng không được thực hiện bằng những biện pháp nào?
Nội dung chính
Các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không được quy định tại Khoản 2 Điều 191 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006, sửa đổi bởi Khoản 32 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014. Theo đó:
Bảo đảm an ninh hàng không được thực hiện bằng các biện pháp sau đây:
a) Bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, quốc phòng, công an nhân dân, phòng, chống khủng bố và pháp luật khác có liên quan;
b) Thiết lập khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không để bảo vệ tàu bay và công trình, trang bị, thiết bị tại khu vực đó;
c) Kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không đối với tàu bay, phương tiện, người, hành lý, hàng hóa, việc ra, vào và hoạt động trong khu vực hạn chế theo quy định; lục soát đối với tàu bay, phương tiện, người, hành lý, hàng hóa khi có dấu hiệu uy hiếp an ninh hàng không;
d) Loại trừ khả năng chuyên chở bất hợp pháp vật phẩm nguy hiểm bằng đường hàng không; áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi cho phép chuyên chở vật phẩm nguy hiểm, đối tượng tiềm ẩn uy hiếp an ninh hàng không; cấm vận chuyển vĩnh viễn hoặc có thời hạn đối với hành khách gây rối, người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng hoặc trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hành khách gây rối là hành khách cố ý không chấp hành quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không, trật tự công cộng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay hoặc có hành vi tung tin, cung cấp thông tin sai uy hiếp an toàn hàng không;
đ) Giám sát an ninh hàng không, duy trì trật tự, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không và trên tàu bay;
e) Phòng, chống khủng bố trên tàu bay;
g) Áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi cho phép vận chuyển đối tượng nguy hiểm;
h) Kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không;
i) Đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
Xuất phát từ tính chất, vị trí quan trọng của lĩnh vực hàng không đối với nền an ninh quốc gia, hệ thống các biện pháp được thực thi để bảo đảm an ninh hàng không khá đa dạng, hầu như bao quát hết các đối tượng có khả năng thực hiện hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với an toàn hàng không. Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy định trên đây, các hãng hàng không cũng đồng thời đề ra những quy chế an toàn áp dụng riêng đối với khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng.
Vào các dịp cao điểm, các biện pháp trên được tiến hành và kiểm soát ở mức độ chặt chẽ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và vẫn bảo đảm an tòan ngành hàng không. Theo đó, các Cảng hàng không, sân bay triển khai hàng loại biện pháp về hạ tầng cơ sở; chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư dự phòng, phương án xử lý khi có tình huống, đảm bảo hệ thống trang thiết bị hoạt động 24/24; tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn hàng không nhằm đảm bảo tuyệt đối cho các chuyến bay và hoạt động bay tại các Cảng hàng không trong mọi tình huống, đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách.
Trên thực tế, quá trình thực thi các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không được tiến hành, phối hợp bởi nhiều cơ quan, tổ chức và cả các cá nhân hành khách tham gia vào quá trình vận chuyển hàng không. Để có những chuyến bay an toàn và thuận tiện, mỗi cá nhân chúng ta cần trang bị trước cho mình những kiến thức cơ bản về quyền và nghĩa vụ của mình và của hãng hàng không trước khi sử dụng dịch vụ để đảm bảo không xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại cho ngành hàng không quốc gia.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Trân trọng!