01 căn nhà duy nhất thì có được kê biên để thi hành án không?
Nội dung chính
01 căn nhà duy nhất thì có được kê biên để thi hành án không?
01 căn nhà duy nhất thì có được kê biên để thi hành án không?
Chuyện là anh trai tôi có vay tiền để làm ăn nhưng do thua lỗ nên bị kiện ra Tòa, hiện anh chỉ còn 01 căn nhà duy nhất, không còn gì để trả. Cơ quan thi hành án cho anh trai tôi 10 ngày để tự nguyện thi hành. Sau 10 ngày nếu không thực hiện thì họ sẽ tiến hành kê biên. Nhưng đấy là căn nhà duy nhất của anh tôi, thế họ được kê biên không?
Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 có quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án như sau:
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. ...
Tại Điều 46 Luật thi hành án dân sự 2008 có quy định về cưỡng chế thi hành án như sau:
- Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
- Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
Như vậy, sau 10 ngày nếu như anh trai bạn không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế.
Tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008 có quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án như sau:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 95 Luật thi hành án dân sự 2008 có quy định: Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.
Như vậy anh trai bạn không có tài sản nào khác hoặc có nhưng không đủ để THA thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành kê biên căn nhà duy nhất.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Những bản án, quyết định dân sự nào của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị?
Tôi đang tìm hiểu về một số vấn đề liên quan đến việc thi hành án dân sự và có thắc mắc muốn nhờ mọi người giải đáp. Cụ thể, cho tôi hỏi: Những bản án, quyết định dân sự nào của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật thi hành án dân sự 2008 thì những bản án, quyết định dân sự của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị bao gồm:
- Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trên đây là nội dung trả lời về những bản án, quyết định dân sự của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Luật thi hành án dân sự 2008.
Việc giám sát và kiểm sát thi hành án dân sự được quy định như thế nào?
Ban biên tập hãy trả lời giúp tôi câu hỏi sau đây: Việc giám sát và kiểm sát thi hành án dân sự được quy định như thế nào? Có văn bản pháp luật nào nói đến vấn đề này hay không? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Việc giám sát và kiểm sát thi hành án dân sự được quy định tại Điều 12 Luật thi hành án dân sự 2008 và được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 với nội dung như sau:
- Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan nhà nước khác trong thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
- Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự.
- Khi kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án;
+ Yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới ra quyết định về thi hành án, gửi các quyết định về thi hành án; thi hành đúng bản án, quyết định; tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân; yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự 2008;
+ Trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; ban hành kết luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát;
+ Tham gia phiên họp của Tòa án xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân;
+ Kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm, pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa;
+ Kháng nghị hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
Trên đây là nội dung trả lời về việc giám sát và kiểm sát thi hành án dân sự. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Luật thi hành án dân sự 2008.
Trân trọng!