Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh như thế nào từ 1/7/2025?
Nội dung chính
Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh như thế nào từ 1/7/2025?
Căn cứ Mục II Phụ lục 1 ban hành theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh như sau:
[1]. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Môi trường để thẩm định;
[2]. Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến, Bộ Nông nghiệp và Môi trường gửi hồ sơ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đến các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để lấy ý kiến;
[3]. Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến, các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản đến Bộ Nông nghiệp và Môi trường ;
[4]. Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;
[5]. Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày họp Hội đồng thẩm định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường gửi thông báo kết quả thẩm định quy hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
[6]. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến Hội đồng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
[7]. Hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh gồm:
- Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
- Báo cáo thuyết minh về quy hoạch sử dụng đất;
- Hệ thống bản đồ và dữ liệu kèm theo (dạng giấy hoặc dạng số);
- Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Hội đồng thẩm định;
- Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sửdụng đất cấp tỉnh.
Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh như thế nào từ 1/7/2025? (Hình từ Internet)
Nội dung lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bao gồm những gì?
Căn cứ quy định tại Điều 65 Luật Đất đai 2024 được hướng dẫn bởi Điều 18 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về nội dung lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh như sau:
[1] Phân tích, đánh giá các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội, nguồn lực, bối cảnh của cấp tỉnh, của vùng tác động trực tiếp đến việc sử dụng đất của tỉnh;
[2] Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất theo các nội dung quản lý nhà nước về đất đai quy định tại Điều 20 Luật Đất đai 2024 có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;
[3] Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, biến động sử dụng đất 10 năm trước, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước theo các loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai 2024 và các điều 4, 5 và 6 Nghị định 102/2024/NĐ-CP;
[4] Tổng hợp, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, ô nhiễm đất, thoái hóa đất trên cơ sở kết quả thực hiện các nội dung quy định tại Điều 53 và khoản 3 Điều 55 Luật Đất đai 2024 trên địa bàn tỉnh;
[5] Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch;
[6] Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch;
[7] Định hướng sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất từ 20 đến 30 năm gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất trên cơ sở tiềm năng đất đai đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội;
[8] Bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh;
[9] Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất gồm chỉ tiêu sử dụng đất do quy hoạch sử dụng đất quốc gia phân bổ cho cấp tỉnh và diện tích các loại đất còn lại quy định tại Điều 9 Luật Đất đai 2024 và các điều 4, 5 và 6 Nghị định 102/2024/NĐ-CP theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
[10] Phân kỳ quy hoạch sử dụng cho từng kỳ kế hoạch 05 năm theo nội dung quy định tại điểm h khoản này đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
[11] Đánh giá tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đến kinh tế, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh;
[12] Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất gồm: giải pháp bảo vệ, cải tạo đất, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xác định các nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất; giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
Việc xác định loại đất được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 10 Luật Đất đai 2024 quy định xác định loại đất như sau:
[1]. Việc xác định loại đất dựa trên một trong các căn cứ sau đây:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quy định tại điểm a khoản này;
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quy định tại điểm a khoản này.
[2]. Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2024 và trường hợp loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định của Luật này hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.